Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

TẠI SAO ĐỨC PHẬT LẠI NÓI:“KẺ THÙ LỚN NHẤT ĐỜI NGƯỜI LÀ CHÍNH MÌNH?”

chùa Thầy - thyanh photo
trang 3
BS. Nguyễn Quý Khoáng
(VN, tháng 10 năm 2010)

III. SỰ QUAN TRỌNG VÀ Ý NGHĨA CỦA LÝ VÔ NGÃ:
1/ GIÁO LÝ VÔ NGÃ đã được Đức Phật Thích Ca giảng tại vườn Lộc Uyển cho  5 anh em ông Kiều Trần Như sau khi đã giảng xong Kinh Chuyển Pháp Luân. Kinh Vô ngã tướng (Anattalakkhana sutta) kết luận bằng một câu ngắn gọn,rất quan trọng:
“CÁI NÀY KHÔNG PHẢI LÀ TA,
  CÁI NÀY KHÔNG PHẢI LÀ CỦA TA,
  CÁI NÀY KHÔNG PHẢI LÀ TỰ NGÃ CỦA TA”
(Để cho dễ hiểu hơn,xin cho phép tôi được chú thích thêm cho chữ “CÁI NÀY”:Đó chính là “cái ta đây”, “cái tôi đây”, “cái thân này”, “cái thân-tâm này”).
Đức Phật muốn phá bỏ ý niệm sai lầm về bản thể của con người,
    1/phá bỏ cái chấp thủ  vào 5 uẩn, xem đó là Ta, như đang có tấm thân nguyên thuần một khối.
    2/phá bỏ cái chấp thủ có một Tự ngã, một linh hồn vô hình bất diệt.Tuy nhiên,Đạo Phật khẳng định là có thần thức,vô hình nhưng không bất diệt ( mà là thay đổi do duyên hợp) và giúp cho sự tái sinh và chuyển nghiệp báo từ đời này qua đời khác.
         Hoà Thượng Thích Thiện Siêu có viết một quyển sách “Vô ngã  là Niết Bàn” và các vị chân tu chứng được Lý Vô Ngã đều đạt quả vị Ala hán.
2/ƯU VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA VIỆC CHẤP NGÃ
 a/Ưu điểm:Có người quan niệm là chính nhờ có cái Ngã mà con người mới phấn đấu,xã hội mới tiến bộ. Chính sự cạnh tranh mới thúc đẩy khoa học kỹ thuật luôn đổi mới, kinh tế phát triển, mới đem lại sự tiện nghi vật chất cho con người,mới đem lại sự giàu có cho các quốc gia.Điều này chúng ta không phủ nhận.
b/Nhược điểm: Nhưng cũng chính cái Ngã này đã đem lại bao nhiêu đau khổ, phiền toái cho mỗi chúng ta,cho cả nhân loại. Tại sao vậy?
     * Về cá nhân, nếu ta chấp vào cái Ta nghĩa là tự xem cái Tôi to lớn (ta tự đồng hoá mình với danh xưng, chức vụ, địa vị trong xã hội …) thì nếu ai  chạm tự ái của ta như nói xấu, mắng nhiếc…thì ta sẽ nổi sân lên.
     Chính vì quan niệm rằng ta có một cái tôi thật sự khác biệt với mọi người nên ta muốn (cả ta và chính người thân của ta) hơn người khác về mọi mặt như học giỏi hơn, địa vị cao hơn, giàu có hơn…Chỉ vì lòng tham mà ta bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được những điều đó.
       *Về tập thể, vì chấp cái này là ta, cái này là  của ta, cái này là tự ngã của ta nên có sự kình chống giữa phe này với phe kia, tôn giáo này với tôn giáo kia (thậm chí có tôn giáo mà các tín đồ cùng thờ một Thượng Đế nhưng vì chia 2 phái khác nhau lại giết hại lẫn nhau.Tôi nghĩ Thượng Đế trên trời cũng phải khóc vì sự ngu muội của các tín đồ của mình), quốc gia này với quốc gia kia. Cùng một lúc trên trái đất có sự thừa mứa thực phẩm ở nơi này nhưng lại có sự chết đói ở nơi khác cũng như chiến tranh xẩy ra không dứt, hết ở vùng này thì lại đến vùng khác…
     Tài mà không kèm theo Đức chỉ đem đến sự đau khổ cho nhân loại như Rabelais đã nói:“Science sans conscience n’est que ruine de l’âme” (Khoa học mà không có lương tâm chỉ là sự tán tận của tâm hồn).Đúng là khoa học đã giải phóng con người khỏi những việc nặng nhọc,giúp việc đi lại mau hơn rất nhiều ,khiến việc liên lạc với nhau dễ không thể tưởng được,đem lại nhiều tiện nghi vật chất mà người xưa không bao giờ dám mơ đến nhưng cũng chính nhờ khoa học công nghệ,con người đã chế ra đủ loại vũ khí,bom đạn,nhất là bom hạt nhân để tàn sát nhau.
      Vì lợi ích cá nhân và tập thể ,con người đã phá huỷ môi trường sống khiến giờ đây,bao nhiêu thiên tai xẩy ra trên Trái Đất,bao nhiêu người chết  hoặc rơi vào cảnh lầm than,màn trời chiếu đất.Sóng thần ở Thái Lan và Bangladesh trước đây cũng như động đất,lở bùn,lụt lội ở Trung hoa và Pakistan gần đây là những bài học cho nhân loại.Rồi đến nhiệt độ trái đất đang tăng dần khiến các tảng băng ở Bắc cực tách ra và tan dần,nước biển dâng lên tạo ra Đại hồng thuỷ trong một ngày không xa.Sau này,dù con  người có trốn khỏi trái đất và sống trên một hành tinh khác như nhà thiên văn học nổi tiếng của Mỹ Stephen Hawking đã tiên đoán mà Tâm vẫn không thay đổi, vẫn đầy tham,sân,si thì phỏng có lợi ích gì,có thay đổi được gì cho nhân loại?
Trong suốt lịch sử của nhân loại, khoa học kỹ thuật phát triển vượt bực đem lại sự tiện nghi vật chất cho con người nhưng lòng con người thì không hề tiến bộ hơn. Chỉ vì Si mê (chấp vào cái Ta) mà Tham lam và Sân Hận không bao giờ dứt. Ở đâu con ngườí chạy theo vật chất, xem trọng“kim-tiền”quá mức thì ở đó đạo đức đều suy đồi.
         3/Ý NGHĨA CỦA LÝ VÔ NGà 
        Đây là một trong các giáo lý căn bản của Đạo Phật và độc nhất vô nhị vì không có tôn giáo nào trên thế giới này lại phủ nhận cái Ta như Đạo Phật cả.
        Đây không phải là một giả thuyết mà là một chân lý được soi sáng bằng sự thực chứng của Trí Tuệ. Bằng chứng là có một bài kinh rất quan trọng trong Đạo Phật,đó là “Bát-Nhã Tâm Kinh” được bắt đầu bằng một câu rất đặc biệt: “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát-Nhã Ba-la-mật-đa thời,chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”.Câu này có nghĩa là Bồ tát Quán Thế Âm thực hành sâu xa pháp tu Bát-Nhã bằng cách dùng Trí Tuệ để soi chiếu và thấy thật rõ thân tâm này gồm có năm uẩn rỗng rang.Do nhờ sức quán chiếu thâm sâu đó mà Ngài đã được giác ngộ và giải thoát,vì thế Ngài vượt qua được mọi khổ đau của cuộc sống luân hồi.Lý Vô Ngã phải được thấy, biết bằng chứng ngộ chứ không phải bằng trí phân biệt thì mới đưa đến giải thoát được.Nếu không,khi đụng trận,chúng ta sẽ bị dính mắc liền.Tại sao vậy?Vì khi người khác nói một câu chạm tự ái  ta thì cái Ta nó trổi dậy ngay.Cái biết của ta về lý Vô Ngã chỉ mới là cái hiểu“ngoài da” chứ không phải cái biết từ “tuỷ xương”.
Giáo lý Nam tông dạy:“Năm uẩn là Vô ngã” ;còn giáo lý Bắc tông nói: “Năm uẩn là Không”.Đây là chỗ gặp gỡ kỳ thú giữa hai nền giáo lý,thật ra đều cùng xuất phát từ Giáo pháp của Đấng Thế Tôn.Giáo lý đầu dùng để giáo hoá hàng Thanh văn còn giáo lý thứ hai dùng để nhắc nhở hàng Bồ tát.
     Giáo lý Vô Ngã phủ nhận tính cách đồng nhất và bất biến của một tự ngã thường tại.Nếu có một linh hồn bất biến,bất diệt  thì làm thiện hay làm ác có khác gì nhau
đâu. Trái lại,Đạo Phật thừa nhận là có “Thần thức”tạm gọi là “hồn”nhưng không bất biến và không bất diệt mà là do các thức hợp lại.Đăc biệt ,Mạt Na thức(thức thứ 7) và A Lại Da thức(thức thứ 8) sẽ chuyển nghiệp báo của cá nhân đó qua đời sau.
      Đức Phật muốn phá sự chấp thủ vào cái “chính mình” (cái Ta giả) của con người để chúng ta tránh được đau khổ vì Tham và Sân như đã trình bày ở phần trên.Phá tan sự chấp thủ vào 5 uẩn chứ không phải là phá tan 5 uẩn,xin chớ vội hiểu lầm. Giáo lý Vô Ngã không khuyên con người diệt chính mình bằng cách tự hành xác hay tự tử mà chỉ khuyên con người nên có một cái nhìn đúng đắn (Chánh kiến) về chính mình.
     Đề xướng Vô ngã không phải để hư vô hoá con người, xoá bỏ sự có mặt của con người trong cuộc đời, trái lại kết hợp chủ thể với tha nhân, xoá bỏ biên giới cách biệt giữa người với người, trải rộng lòng từ bi đến tất cả chúng sinh. Thế nên, ai dựa vào giáo lý vô ngã để chối bỏ cuộc đời thì người đó mắc sai lầm nghiêm trọng vì Đạo  không lìa Đời  và người đó chưa thấy rõ được diệu dụng của Đạo Phật.


xem trang trước                                         xem trang sau

Không có nhận xét nào: