ĐÔNG NGUYỄN (Đội Cấn, Vũng Tàu)
Cảnh “hôi bia” ở khu vực vòng xoay Tam Hiệp, TP Biên Hòa, Đồng
Nai
|
Năm tôi học lớp 5, nhân Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6, cô giáo
dẫn một nhóm học sinh trong lớp chúng tôi tới trụ sở ủy ban nhân dân phường để
lãnh bánh kẹo. Kinh tế hồi ấy cực kỳ khó khăn nên mỗi em thiếu nhi chỉ lãnh được
một bịch bánh kẹo bé xíu. Thấy vậy cô giáo liền gom hết bánh kẹo mà các em vừa
lãnh được rồi giấu kín. Các em học sinh được cô giáo nói nhỏ vào tai rằng phải
quay lại lãnh thêm một phần nữa. Cô giáo giải thích chỉ có làm như vậy thì ngày
mai mới có đủ bánh kẹo để học sinh làm tiệc liên hoan chia tay cuối cấp.
Năm tôi học lớp 7, sau khi học xong bài giảng văn Trí khôn của
ta đây kể lại câu chuyện con cọp bị con người lừa trói lại rồi đốt đến nỗi bị
cháy sém cả người, cả lớp tôi hình như đứa nào cũng lờ mờ nhận ra rằng trí khôn
của con người đôi khi chỉ là một sự lừa gạt, tráo trở.
Năm tôi học lớp 9, trong một tiết học văn, thầy giáo đứng tỉnh
bơ giải thích nghĩa của câu tục ngữ “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” có nghĩa
là khi đi ăn cỗ thì phải đi sớm mới ăn được nhiều miếng ngon, còn lội nước thì
nên đi sau vì khi có ai lỡ bị sụp chân xuống ao thì ta đi sau còn biết đường mà
tránh. Cả lớp tôi hầu như đứa nào cũng ồ lên ngỡ ngàng vì mức độ “thâm hiểm” của
câu tục ngữ trên đã đạt đến trình độ siêu đẳng. Chưa hết, thầy còn dạy chúng
tôi rất nhiều câu tục ngữ cũng không kém phần “thâm hiểm” như “một miếng giữa
đàng bằng một sàng xó bếp”, “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, “áo gấm đi đêm”.
Năm tôi học lớp 12 và vừa tròn 18 tuổi, sáng chủ nhật nào
tôi cũng phải dậy sớm để đi mua thịt heo theo tiêu chuẩn tem phiếu. Bác hàng
xóm kế bên lúc nào cũng đánh thức tôi dậy thật sớm để cùng đi mua và không bao
giờ quên kèm theo một câu tục ngữ để động viên: “Trâu chậm thì uống nước đục”.
Vì ai ai cũng không muốn mình là con trâu chậm phải uống nước đục nên tại cửa
hàng bán thịt heo của hợp tác xã, người ta đã chen lấn xô đẩy nhau một cách vô
tội vạ để giành mua một miếng thịt ngon, đến nỗi tuần nào cũng có người ngất xỉu
phải đưa đi cấp cứu.
Năm tôi 20 tuổi, một chiếc xe tải chở đầy sầu riêng lật úp
ngay trước nhà tôi.Mọi người già trẻ lớn bé vừa xông vào hôi của vừa hát vang
câu ca dao: “chim trời cá nước, ai bắt được thì người đó ăn!”.
Gần đây trên báo chí cũng như các phương tiện thông tin đại
chúng khác, người ta bỗng nghe nhắc nhiều đến cụm từ “người Việt xấu xí”, từ
chuyện các cô tiếp viên hàng không buôn đồ ăn cắp từ Nhật đến chuyện chen lấn
xô đẩy rồi đánh nhau hôi của nơi chốn đông người. Một điều làm tôi vô cùng xót
xa là hình như tôi lại thấy rất rõ bóng dáng của chính mình trong cái đám đông
xấu xí đó: tôi cũng là một người Việt xấu xí!
Có rất nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ người Việt bị chê là xấu
xí vì có lẽ chúng ta đã quá bảo thủ. Nếu hỏi một em học sinh về những đức tính
tốt đẹp của người Việt thì em sẽ kể ra vanh vách nào là chăm chỉ, thông minh,
giàu lòng thương người... nhưng khi hỏi người Việt có những tật xấu nào thì “chịu
chết” vì các em có bao giờ được người lớn chỉ bảo đâu. Vì không biết đâu là tật
xấu nên chúng ta cũng không thể nào bỏ được những cái xấu lúc nào cũng đeo bám
dai dẳng trong cuộc sống mà chúng ta không hề hay biết.
Đừng tự huyễn hoặc mình để rồi phải bịt mắt che tai nữa. Phải
cố gắng làm một điều gì đó trước khi mọi việc đã trở nên quá muộn.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét