Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

PHỎNG VẤN NHANH : BÁC SĨ CẦN NHẬN LỖI VỚI BỆNH NHÂN KHI GÂY RA TAI BIẾN, KHÓ HAY DỄ? (phần 1)

Thực hiện : bs Thy Anh


PHỎNG VẤN QUA EMAIL
Hôm trước, tôi xem phim Grey's anatomy trên TV, thấy có hai tình huống cũng hay hay:
# một bác sĩ  thứ nhất,  NGHĨ RẰNG MÌNH ĐÃ LÀM RÁCH TIM BỆNH NHÂN TRONG KHI ĐANG PHỤ MỔ, đã nhận lỗi công khai ngay trước THÂN NHÂN CỦA BỆNH NHÂN  và kết quả bị thân nhân khởi KIỆN !
# Một bác sĩ thứ hai, , khi còn là một bác sĩ thực tập từ nhiều năm trước, đã để quên gạc trong lồng ngực bệnh nhân trong một ca phẫu thuật, đến hôm nay bệnh nhân mới được phát hiện.  Bây giờ, vị bác sĩ đó đã là một bác sĩ tài giỏi  của bệnh viện, rất được các đồng nghiệp tín nhiệm !
Các bạn sẽ có ý kiến thế nào về 3 quan điểm sau:
1/ Nhiều người cho rằng y khoa là một ngành khoa học đòi hỏi phải thật chính xác nhưng cũng chỉ DO CON NGƯỜI thực hiện nên PHẢI CHẤP NHẬN MỘT TỶ LỆ SAI LẦM nào đó . . . và ngay cả BÁC SĨ GIỎI NHẤT cũng KHÔNG THỂ BẢO ĐẢM KHÔNG BAO GIỜ MẮC SAI LẦM.
2/ Khi bác sĩ mắc sai lầm gây tai biến cho người bệnh, nếu CHƯA AI BIẾT thì KHÔNG NÊN VỘI VÀNG NHẬN LỖI, NHẤT LÀ không nên NHẬN LỖI VỚI BỆNH NHÂN . . . cứ việc ÂM THẦM TỰ RÚT KINH NGHIỆM BẢN THÂN.
3/ Gây tai biến thì phải nhận lỗi với nạn nhân cho dù CÁ NHÂN MÌNH VÀ BỆNH VIỆN có phải trả bất cứ giá nào.
CÁC Ý KIẾN PHẢN HỒI
1/ Một người bạn bác sĩ cùng lớp
Dear Dr Thy Anh,
Tôi chưa xem phim này.
Những tình huống Dr. Thy Anh vừa kể ra là thực tế thường gặp, mà cũng thật phức tạp khó giải quyết.
Mình sẽ chấp nhận quan điểm của Đạo Phật, nghĩa là:
- Nhận lỗi, để lương tâm không cắn rứt, để không tạo nghiệp và như thế, sẽ không chịu nghiệp trong tương lai.
Tuy nhiên:
- Mình tin chắc rằng quan niệm của mình (vừa nêu) không phù hợp với thực tiễn của nghề nghiệp cũng như thực tế của đời sống!
Chúc bạn hiền một ngày tốt lành.
Phạm Doãn Luyện
2/ Một người bạn đáng kính trên blog
Theo tôi thì trên đời ko có gì là hoàn hảo hết. Làm sao tuyệt đối hết được.Bác sĩ thì cũng chỉ là  một con người dù tài giỏi đến đâu thì cũng đừng nghĩ rằng có thể thay đổi định mệnh của một người.Khi con người ta được sinh ra là khởi điểm bắt đầu đi về cõi chết.
Mỗi ngày là một bước tôi đi dần về sự chết. Vậy sinh lão bệnh tử đó là một quy luật tự nhiên. Đừng nghĩ là sẽ thay đổi  được sống chết dù bác sĩ có là người giỏi nhất . Người học Y cũng nên biết điều này mà tránh
Như ở trên Bác sĩ thì cũng chỉ là con người. Nếu KHÔNG NHẬN LỖI theo tôi liệu bác sĩ đó có  thấy ấy náy lương tâm không? Sai do mình thì phải chấp nhận dù hậu quả đến đâu cũng phải chấp nhận. Hãy đặt Bác sĩ là chính bệnh nhân hay người nhà  bị tai biến thì sẽ thế nào? Khổng tử có nói :" Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác"? Những bệnh nhân tìm đến bác sĩ thì họ cũng nuôi hi vọng lắm..hi vọng là mình sẽ hết bệnh. Bởi vậy đã làm nghề Cao quý này thì phải cần có cái Tâm và cái Tầm, kỹ lưỡng từng chút từng chút một.Bác Sĩ cứ xem mỗi người bệnh nhân mà mình khám mỗi ngày là người mẹ, người cha, người em của mình.dạt dào tình thương thì tôi nghĩ sẽ hạn chế được hậu quả bác sĩ ah
Còn nếu nhận lỗi thì tôi nghĩ người đó có cốt cách thanh cao và bản lĩnh.Khi mình chấp nhận lỗi lầm thấy nhẹ nhõm và an lạc tâm lắm. Có lẽ hậu quả thế nào thì người nhận lỗi đã biết và phải chấp nhận.Té ở đâu đứng dậy ở đó .Một người như vậy thì không sợ mưa nắng cuộc đời Bác Sĩ ah.
Tôi nghĩ nếu là Bác Sĩ thì chắc là người nhận lỗi nhỉ?
Tôi có đứa cháu cũng rất thích ngành Y nhưng chỉ có cái Tâm và cái Tầm chưa đủ.Nó cũng yêu ngành Y lắm. Có lần nó nói "Bác Sĩ giống thiên thần vậy giành giựt sự sống   Bác Sĩ như những người chiến binh chống lại Thần Chết mang lại sự sống và hi vọng cho con người, Đã là Bác Sĩ thì phải cứu người, cái nghề đấy con thấy Cao quý lắm"
Mà tiếc là BÁC SĨ LÀ CON NGƯỜI
myhuynh 2008 (làm việc trong ngành giáo dục)
3/ Một học trò cuả tôi
Quan điểm 1/Đã là con người thì ai cũng không tránh khỏi sai lầm, chỉ có không ngừng tiếp thu kiến thức mới, thực hành nhiều để tự hoàn thiện bản thân mình và tập trung vào công việc đang làm thì mới giảm thiểu được sai lầm.
Quan điểm 2/Khi đã phạm sai lầm thì phải chân thành nhận lỗi và sửa chữa, vì dù cho người khác không biết thì chính bản thân mình là người biết rõ nhất về điều đó, và nếu không sửa chữa thì em nghĩ sai lầm này sẽ thành ký ức xấu đeo bám chúng ta suốt đời
Quan điểm 3/Vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta nhận lỗi và sửa chữa sai lầm thế nào, theo em điều đó còn tùy vào từng tình huống:
          a.Xảy ra sai lầm nhưng không ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân hoặc sai lầm đó có thể sửa chữa kịp thời: nên tự kiểm điểm và rút kinh nghiệm.
     b.Xảy ra sai lầm ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân: tuyệt đối phải chân thành nhận lỗi và xin phép người nhà cho phép mình sửa chữa sai lầm đã gây ra, nhận trách nhiệm về việc chi trả chi phí phát sinh trong toàn bộ quá trình chữa bệnh. Em tin rằng trong trường hợp này thì tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân là quan trọng hơn hết, dù là người nhà hay bác sĩ điều trị cũng sẽ ưu tiên an toàn cho bệnh nhân, và với hành động này sẽ giúp người nhà hiểu rõ hơn tinh thần trách nhiệm của người bác sĩ.
  c.Xảy ra sai lầm không thể cứu vãn: bệnh nhân tử vong. Tình huống này cực kỳ xấu, em cũng không biết giải quyết sao, chỉ hy vọng làm hết sức mình để trong cuộc đời mình không phải hối tiếc về những gì mình đã làm.

Tóm lại, theo em thì người bác sĩ nên đặt bản thân vào vị trí người nhà của bệnh nhân, như vậy thì sẽ đạt được kết quả điều trị tốt nhất và hạn chế sai lầm.
Tri Thong Nguyen (sinh viên YK)
4/ Một vị cao niên đáng kính
Lâu rồi, mới lại có dịp tâm tình.   Rất tiếc chưa có dịp coi phim này.  Xin chiều ý bác sỹ mà trả lời như sau, đúng hay sai cũng xin thứ lỗi :
1/  Quan điểm MỘT :  Hòan tòan đồng ý và ủng hộ. "Nhân vô thập tòan mà" . Ai dám vỗ ngực tự cho là mình hòan hảo, không bao giờ có sai lầm thiếu sót. Ngay cả bệnh viện tối tân nhất, sạch sẽ, khử trùng kỹ luỡng nhất , cũng không thể nào tránh khỏi tình trạng nhiễm trùng vì có những vi trùng lờn thuốc, với tỷ lệ 1/100.000, và chính Cà Cuống này trên 20 năm truớc, đã có cái may mắn đuợc lọt vào con số 1 đó, khiến cho phải nằm bệnh viện tới gần 3 tháng trời, và nhờ những Giáo sư y Khoa nổi tiếng, mới đánh bại và tống khứ đi được những con vi trùng lì lợm đó, và vì, phải mổ tới mổ lui, vô máu quá nhiều, nên mới đuợc một vị hảo tâm nào đó tặng thêm cho một mớ siêu vi Vĩêm Gan C , khốn khổ cho tới bây giờ vẫn chưa giải quyềt đuợc.
2/  Quan điểm HAI :  Cũng hoàn toàn đồng ý luôn, tuy có vẻ hơi ma giáo, nhưng thực tế mà nói, thì dù sao chuyện cũng đã lỡ xẩy ra ngoài ý muốn, tốt nhất là giữ im lặng để tránh mọi phiền phức có thể mang tới, cố gắng tìm cách sửa sai, và rút kinh nghiệm. Không ai tự nhiên trở nên tài giỏi, đạt tới thành công, mà không phải trải qua những kinh nghiệm máu xương. "Bất dĩ vô quá vi hiền, nhi dĩ cải quá vi quý". Không phải không lầm lỗi mới là người hiền, mà biết sửa lỗi mới là đáng quý.
3/  Quan điểm BA : Thật quá lý tưởng, nhưng thực tế mà nói, có lẽ không ai ngu tới mức quân tử "Tầu Phù" như vậy cả.
    Vài nhận xét thô thiển nông cạn xin phép được đóng góp với Bác sỹ.  Chắc chắn kẻ đồng ý với Cà Cuống thì chẳng bao nhiêu, nhưng xỉ vả đả kích thì nhiều, vì thiên hạ ưa đạo đức giả, hơn là dám nói thẳng ra ý nghĩ trung thực của mình.  Nhưng cũng chẳng sao, vì Cà Cuống chết đến đít vẫn còn ... cười như thường mà, chả có gì đáng quan tâm cả.
Cà Cuống (luật sư về hưu)
(xem thêm ...)

5 nhận xét:

Nặc danh nói...

Em là sinh viên Y khoa Phạm Ngọc Thạch sau khi đọc xong bài này e thấy câu sau đây rất đúng:"Vậy sinh lão bệnh tử đó là một quy luật tự nhiên. Đừng nghĩ là sẽ thay đổi được sống chết dù bác sĩ có là người giỏi nhất . Người học Y cũng nên biết điều này mà tránh"
Thật Tâm đắc

http://vuisongmoingay.blogspot.com/ nói...

cảm ơn em sinh viên y khoa Phạm Ngọc Thạch đã ghé thăm blog cuả thầy.
Một bác sĩ giảng viên rầt giỏi cuả trường em cũng đang cộng tác viết các case lâm sàng cho blog : BS CHUỒN CHUỒN.
Nếu có hứng thú, em gửi bài cho blog đi. Mời các bạn cuả em cùng xem và cộng tác nếu rảnh rỗi.
Thân.

http://vuisongmoingay.blogspot.com/ nói...

không đúng Nguyen Tuan Anh ạ

Unknown nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Unknown nói...

Từ phim ảnh đến đời thường có một khoảng cách.
Từ suy nghĩ đến hành động có một khoảng cách xa.
Điều nhận xét đầu tiên của tôi là cả 2 BS này đều không cố ý phạm lỗi.
Cách giải quyết tốt nhất theo tôi là họ nên báo cáo việc này với lãnh đạo bệnh viện và thành khẩn nhận khuyết điểm, chấp nhận đền bù cho bệnh nhân trong khả năng của mình, cũng như nghiêm túc rút kinh nghiệm bản thân.
Còn làm gì để giải quyết hậu quả thì hãy để bệnh viện quyết định. Thông báo ra sao với bệnh nhân và gia đình bệnh nhân cũng nhờ bệnh viện giải quyết.
Việc tự nhận lỗi với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đương nhiên phải có trong suy nghĩ, nếu người đó còn là con người, nhưng có biến suy nghĩ thành hành động hay không thì cần xem xét kỹ.
Ví dụ như một tài xế xe tải lỡ cán chết người (chắn chắn rằng nạn nhân đã chết) thì thử hỏi thực tế có bao nhiêu người đứng đó chờ người nhà bệnh nhân đến để xin lỗi, hay đa số đều lánh mặt tạm thời? Và nếu đứng đó rồi người nhà nạn nhân đến trả thù giết tài xế ngay tại chỗ thì có ích gì cho người tài xế trong việc bù đắp tội lỗi của mình, hay còn gây thêm cho người nhà nạn nhân mắc vòng lao lý...Những người theo trường phái thú nhận lỗi trực tiếp nên trả lời câu hỏi này.