Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

H Ỏ A D Â N

Trương Tiếp Trương

Tôi sinh ra ở gần ga xe lửa. Mặc dù chỉ sống có vài năm rồi cha mẹ dọn đi, tiếng còi tàu chừng như đã ăn vô tiềm thức.
Quê nội tôi ở Bình Định. Khoảng cách giữa hai quê là 200km, vào thời mới thống nhất là cả một cuộc hành trình. Thời đó xe đò, tôi nhớ là xe Renault còn chạy bằng than đá. Bình than to khủng đeo ở đuôi xe, lâu lâu lại ị xuống mặt đường một hai cục đỏ đỏ hồng hồng. Xe lửa thì chạy hơi nước, cái nồi súp-de to thấy ớn. Nói chung hồi đó mình còn nhỏ nên thấy cái gì cũng vĩ đại cả.
Chỉ có 200km mà xe lửa, hồi đó gọi là tàu chợ chạy mất cả ngày. Có khi bị trật đường ray còn lâu hơn thế. Có cả một đội quân chuyên sống bám ngành hỏa xa. Bán hàng rong nè, buôn chuyến nè, đi cọp nữa. Tôi nhớ tụi bán trà đá còn nấu nước ở chỗ nối toa. Nói là trà đá chớ thiệt ra là lá rừng, nghe mùi hăng hắc. Trên tàu lúc nào cũng ồn ào nên bán hàng phải có giọng rao thiệt to và vang. Muốn vang thì phải láy. Thành ra thuốc lá được rao thành “Thuốc lá lá… đây!” Có cha bán tạp hóa ôm cái khay trước ngực rao như vầy, “Ráy tai đây! Ráy cái lỗ tai mà sướng luôn cái lỗ mũi đây!”
Mỗi khi tàu vào ga, mọi người phải né xa mấy cái cửa sổ tại vì người ta tuôn hàng lên xuống. Ôi thôi! Bao muối này, bao gạo này, bao than này, củi bó nữa! Không tuôn lên được thì máng vào hai bên hông tàu. Nghĩ lại mới thấy tội nghiệp cho con tàu làm sao. Nhưng chưa hết, nó còn phải cưu mang một lũ nhóc đi cọp trên mui. Mỗi khi chui hầm, cái lũ ấy nằm bẹp dí, dán mình vào trần xe như thằn lằn. Hồi nhỏ thấy thế thì ghen tị lắm. Sao mà tụi nó anh hùng thế không biết.
Đi tàu hồi hộp nhất là lúc qua đèo Cả. Chui sáu cái hầm và qua nhiều truông. Đó là những hẻm núi mà biển ăn sâu vào, khiến con tàu phải đi chênh vênh trên bờ vực. Ông kỹ sư nào thiết kế đường tàu hẳn phải có tính trẻ con. Thời nay con nít đi công viên chơi xe roller-coaster lộn mèo cũng rùng rợn thiệt, nhưng mà nó không được thật.
Đồng bằng Tuy Hòa và con sông Đà Rằng to bự là một điểm nhấn khác. Ở cửa sông này thời đó còn nhiều con vít, tức là một loại rùa biển. Trứng vít luộc đem lên tàu bán, ăn thú hơn trứng gà nhiều. Rồi tàu rời đồng bằng phì nhiêu và đánh một vòng cung về hướng Tây, né vùng đèo dốc Cù Mông. Đi qua quãng La Hai, Vân Canh mới biết thế nào là buôn Thượng, người ở trên heo gà ở dưới. Sao mà hồn nhiên thế. Sau cùng tàu dừng lại ở ga Diêu Trì. Cha con tôi tất tả rời ga. Lại phải đón xe đò đi thị trấn Đập Đá, rồi từ đó lên xe ngựa về làng. Đó là hai cuộc hành trình hành xác nữa. Nhưng đối với một đứa con nít mới lớn, được đi đây đi đó là sung sướng lắm.
Mà thật ra cho tới bây giờ, được đi đó đi đây vẫn cứ là hạnh phúc.
nguồn : http://www.ninhhoatoday.net

Không có nhận xét nào: