Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Như một cơn ác mộng trong đời thật

Bài viết của A.T

Thưa thầy,
Em là một điều dưỡng tốt nghiệp năm 2010, ra trường về công tác tại một bệnh viện huyện trong thành phố. Em đả được học thầy về các bài giảng thận học, em rất thích và rất nhớ những lời dạy của thầy.
Thưa thầy,
Em đang rất sốc và có một câu chuyện muốn kể với thầy, mong thầy không phiền khi phải đọc thư em. Ra trường, về bệnh viện, em được phân công làm ở khoa Nội, như thầy biết, một bệnh viện huyện thì bệnh nhân cũng không đông lắm, thường là bệnh nhẹ, hiếm khi có tử vong và khoa em cũng chữa đủ các lọai  bệnh.
Hôm qua, em trực khoa cũng như thường lệ. Đến tối, em phải đưa ông T. một bệnh nhân 65 tuổi bị tiểu đường, tăng huyết áp, đi chụp X quang phối vì bác sĩ trực nghi ông bị viêm phổi. Ông T. là bệnh nhân rất quen thuộc của khoa, được em thường xuyên chăm sóc và trong năm nay, ông đã phải ra vào bệnh viện như đi chợ.
Khi em đưa ông về khoa, ông vẫn tỉnh tuy đôi lúc có hơi lẫn lộn. Em nghĩ điều này có lẽ cũng bình thường thôi vì ông đã lớn tuổi mà triệu chứng lại xảy ra vào ban đêm, giờ mà ai cũng buồn ngủ. Đến nửa đêm, sinh hiệu của ông vẫn ổn. Thân nhiệt vẫn chỉ 37 độ, không ớn lạnh cũng chẳng khó thở gì. Ông nằm viện lần này vì một vết thương lâu lành ở cẳng chân. Ông có một ít ran nỗ ở 2 đáy phổi và đã được bác sĩ trực dự định điều trị ngay khi có kết quả X quang. Mấy ngày nay ông ăn không ngon, tăng BUN và tiểu ít hơn, khoa đã cho truyền một ít dịch vì sợ vấn đề tim mạch của ông. Ca trực trước bàn giao lại kết quả creatinin máu và kali máu tăng nhẹ nhưng họ cũng đã cho ông uống Kayexalate rồi. Tuy nhiên, tối nay, ông từ chối không chịu lấy máu kiểm tra Kali, ông viện cớ đã bị lấy máu xét nghiệm nhiều lần trong ngày rồi. Bác sĩ trực thấy kali chỉ tăng nhẹ và cũng đã được điều trị nên cho qua.
Đến 2 giờ sáng, người nhà kêu vì thấy ông tím và vật vã, em chạy vào phòng thì phát hiện tim ông đập chỉ còn 24 lần/phút, ông không tiếp xúc được nữa. Em gọi cấp cứu, cả ca trực tham gia hồi sức cho ông, hạ thấp đầu giường, đặt nội khí quản, ép tim, chích thuốc. Rồi ông lại bị rung thất, phải sốc điện phá rung. Người nhà bắt đầu kêu khóc, điện thoại và kêu khóc . . .
Em vừa mới nói chuyện với ông khoảng 10 phút trước, sau đó hẹn gập lại vì còn phải chích thuốc đo huyết áp cho 4 bệnh nhân khác. Thầy ơi, chỉ có mươi phút, ông đã bước sang một thế giới khác, sao em lại chẳng linh cảm thấy gì để có thể nấn ná lại bên ông thêm ít phút nữa? Biết đâu với ít phút đó đã có thể phát hiện sớm hơn và cấp cứu thành công? Ông T. rất thương em. Ông thường kêu em bằng con và nói nếu em muốn, ông sẽ làm mai em cho cháu trai của ông. Giờ đây, ông nằm đó bất động, xanh tái, toàn thân giật lên từng cơn mỗi lần bị sốc điện, làm lòng em cũng đau nhói.
Sau 45 phút hồi sức tích cực, ca trực quyết định ngưng và giao cho em nhiệm vụ dọn dẹp. Lúc này, chỉ còn em với ông T , ông nằm như đang ngủ, máu từ các chỗ tiêm chích cấp cứu đã ngưng chảy nhưng thấm ướt nhiều chỗ trên áo ông, trên khăn trải giường. Quanh ông, như một bãi chiến trường, với đủ thứ dây, dây dịch truyền, dây điện nối các điện cực monitor, ống nội khí quản . . . em dọn dẹp các thứ lộn xộn đó một cách vô thức, như một người máy không hồn.
Rồi người nhà cũng mang ông đi, họ cứ gặng hỏi em tại sao, tại sao ông ra đi quá nhanh như vậy. Em chả biết nói sao, em không hề có kinh nghiệm giải thích trong nhửng tình huống như thế này, em chỉ muốn xin lỗi mọi người và ước gì có thể biết trước được để ở bên ông nhiều hơn, Bác sĩ trực cũng đã nói gì đó với thân nhân nhưng có vẻ họ vẫn chưa hài lòng.
Thầy biết không, sau buổi giao ban sáng nay, em cứ tự hỏi: phải chăng em đã bỏ lỡ điều gì? Em đã không hành động kịp thời? Nếu là một điều dưỡng khác, ra trường lâu năm hơn, mọi sự có khác hơn không? Phải chăng ông T. chết do lỗi của em?
Em không thể quên được những giây phút cấp cứu đêm qua, mọi thứ cứ như một cơn ác mộng trong đời thật. Em chưa từng phải đối diện với cái chết của một người nào.  Em còn nhớ như in đôi mắt đầy nước mắt của bà T. , đôi mắt mà em đã phải nhìn thẳng vào để thông báo lần cuối rằng ông T. đã thật sự ra đi, đôi mắt thật buồn và ngơ ngác dường như vẫn chưa tin vào những gì em đang nói.
Thầy ơi, em thấy dường như những đôi mắt ấy cũng đang mang những câu hỏi như của chính em.
Em muốn hỏi thầy,em phải làm thế nào để có thể quên được những trải nghiệm đau lòng như thế? Người ta có quyền quên đi để có thể tiếp tục công việc một cách dễ dàng hơn hay không? Em phải làm sao để có thể tiếp tục chăm sóc các bệnh nhân khác của em  trong những ngày sắp tới?
Ngày 4 th 4 2011
( xem thêm ... )

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tôi muốn đồng cảm với bạn về bài này.Nhưng bạn ah.Bạn phải mạnh mẽ lên và hết mình vì bệnh nhân.Đến khi cố gắng hết sức mà người ta vẫn ra đi thì bạn tự nhủ rằng mình đã ko hối hận việc mình làm. Có lẽ theo nghề Bác Sĩ thì phải hiểu rõ rằng sống chết là do ý Trời. Làm Bác sĩ phải hiểu rõ điều này mà tránh

Nguyen Thong nói...

Tây Nguyên:
Đọc xong bài này, Tôi thật sự cảm nhận Chị cần mạnh mẽ hơn nữa nếu muốn đồng cảm chia sẽ cùng bệnh nhân và thân nhân; Hơn ai hết thầy thuốc cần hiểu được xu hướng tâm lý của con người và chế ngự nó sao cho phù hợp và mang lại niềm vui cho nhiều người nhất trong đó có bản thân mình.