Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Khi cảnh sát ép cung...

HIẾU TRUNG

Ông Sakae Menda, tử tù đầu tiên được trả tự do trong lịch sử nước Nhật - Ảnh: Japan Times

Nhưng mối hận nhà chức trách Nhật đã cướp đi 35 năm của cuộc đời ông vì một tội lỗi ông không hề thực hiện hằn sâu trong trái tim ông, không thể nào rũ bỏ nổi.
Ông không thể quên được 12.410 ngày bị cầm tù ấy bởi khi đó, sáng nào tỉnh dậy Menda cũng nghĩ rằng ông sắp bị tử hình.
Không đầu hàng số phận
“Chờ đợi cái chết là nhục hình còn tồi tệ hơn cả chính cái chết” - ông Menda ngậm ngùi nói trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Japan Times năm 2007.
Trong phòng biệt giam lạnh lẽo rộng 5m2, Menda chứng kiến cảnh hàng chục tử tù bị cai ngục lôi tới giá treo cổ.
Lần đầu tiên nhìn thấy cảnh một tử tù vùng vẫy tuyệt vọng, gào thét, ông Menda đã phát điên la hét đến khản cổ và bị trừng phạt đau đớn. Suốt hai tháng trời ông bị còng tay 24/24 giờ và không thể dùng tay để ăn uống.
Cuộc đời ông Menda đảo lộn vào ngày 29-12-1948. Theo tài liệu của Tổ chức Luật & chính sách Pacific Rim, hôm đó một kẻ không rõ danh tính xâm nhập nhà ông Kakuzo Shirafuku ở thành phố Hitoyoshi, tỉnh Kumanmoto. Hắn dùng một chiếc rìu và một con dao sát hại ông Shirafuku, vợ ông và đả thương hai con gái.
Cảnh sát Hitoyoshi mở cuộc điều tra và đến ngày 13-1-1949 bắt giữ ông Menda vì tội ăn cắp gạo. Khi đó ông mới 23 tuổi, sống ở thị trấn Menda cách hiện trường vụ án khoảng 16km. Ông bị giam giữ suốt ba tuần mà không hề được tiếp xúc với luật sư.
Phiên tòa xử Menda bắt đầu và đến tháng 3-1950, Tòa án Kumanmoto tuyên án tử hình. Theo luật pháp Nhật hồi đó, tử tù có thể bị treo cổ bất kỳ lúc nào và chỉ được thông báo trước vài phút.
“Cứ mỗi buổi sáng từ 8g-8g30 đội hành quyết sẽ đến. Khi họ dừng trước cửa phòng giam của bạn, trái tim bạn ngừng đập. Chỉ khi họ tiếp tục bước đi bạn mới có thể thở lại được” - ông Menda kể.
Trong nhà tù nỗi đau ngày một chồng chất. Do quá tủi nhục vì sự khinh miệt, rẻ rúng của cộng đồng, cha mẹ Menda quyết định từ bỏ ông.
“Họ đến gặp tôi một lần trước phiên tòa. Kể cả khi tôi làm đơn kháng cáo và gửi thư cho họ thì họ vẫn không tin rằng tôi vô tội. Qua một người bạn, tôi nài nỉ họ đến nhà tù thăm tôi. Họ đến và nói với tôi rằng đã chính thức từ tôi. Ðó là lần cuối cùng tôi gặp cha mẹ” - ông Menda rưng rưng kể.
Sự tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm khi một thầy tu vào trong nhà giam nói với ông rằng hãy chấp nhận số phận. “Tôi hỏi tại sao, tôi vô tội mà. Ông ấy nói rằng Phật dạy gieo gió thì phải gặt bão”.
Nhưng Menda không chấp nhận đầu hàng số phận và bắt đầu làm đơn kháng cáo. Hai lá đơn đầu tiên vào năm 1952 và 1953 bị bác bỏ. Lá đơn thứ ba được một nhóm ba thẩm phán của Tòa án Kumanmoto tiếp nhận và xử lý.
Trong năm 1956, họ mở cuộc điều tra kỹ lưỡng vụ sát hại vợ chồng Shirafuku và nhận thấy có đủ lý do để tin rằng ông Menda đã ở cùng với một phụ nữ tên Fumiko Ishimura, khi đó mới 16 tuổi, vào đêm 29-12-1948, khi án mạng xảy ra.
Trong phiên tòa đầu tiên bà Ishimura đã ra làm chứng xác nhận bằng chứng ngoại phạm của ông Menda nhưng lời khai này bị bỏ ngoài tai. Các thẩm phán yêu cầu mở phiên tòa xử lại vụ Menda. Tuy nhiên trước sức ép của các công tố viên, Tòa án cấp cao Fukuoka hủy bỏ quyết định của Tòa án Kumanmoto.
Sau khi ông Menda nộp lá đơn kháng cáo thứ tư, Ủy ban Bảo vệ nhân quyền thuộc Liên đoàn Hiệp hội luật sư Nhật nghiên cứu vụ án của Menda và quyết định cử một nhóm luật sư hỗ trợ ông.
Nhờ nỗ lực đấu tranh của Ủy ban Bảo vệ nhân quyền, năm 1975 Tòa án cấp cao Fukuoka chấp nhận lá đơn thứ sáu của ông Menda và quyết định mở phiên xử lại.
Cảnh sát ép cung
Tòa án cấp cao Fukuoka xác định có những bằng chứng mới cho thấy nhiều khả năng Menda vô tội.
Sau khi bắt giữ Menda, cảnh sát thành phố Hitoyoshi tìm thấy một chiếc rìu mà họ cho rằng ông đã dùng để sát hại vợ chồng ông Shirafuku. Trên chiếc rìu có một vết màu nâu nhỏ mà bác sĩ pháp y của cảnh sát khẳng định là máu thuộc nhóm máu O, trùng với nhóm máu của nạn nhân.
Tuy nhiên, một số chuyên gia pháp y khác khẳng định vết nâu trên chiếc rìu không phải là vết máu.
Nhóm luật sư hỗ trợ ông Menda cũng chỉ rõ rằng các vết thương trên cơ thể hai nạn nhân hoàn toàn không phù hợp với lời khai ban đầu của ông Menda ở Sở Cảnh sát Hitoyoshi.
Tòa án Kumanmoto đã tổ chức 16 phiên điều trần, thẩm vấn ông Menda và 16 nhân chứng, bao gồm bà Fumiko Ishimura. Tòa án cũng kiểm tra lại kỹ càng hiện trường vụ án. Cuối cùng, tòa án xác nhận ông Menda đã ở cùng bà Fumiko Ishimura đêm 29-12-1948 nên không thể giết người.
Tòa án cũng lên tiếng chỉ trích dữ dội cách hành xử của lực lượng cảnh sát thành phố Hitoyoshi khi bắt giữ ông Menda. Ví dụ, cảnh sát đã bắt giữ ông mà không có trát tòa, do đó việc giam giữ ông trong suốt ba tuần sau đó là hành vi trái pháp luật.
Trước tòa, ông Menda tố cáo cảnh sát đã dùng nhục hình để ép cung ông. Sau khi bắt giữ ông đêm 13-1-1949, cảnh sát liên tục hỏi cung ông cho tới tận tối 16-1. Ông không hề chợp mắt một phút nào. Ðược ngủ đêm 16-1, ông lại bị hỏi cung từ sáng 17-1 cho tới tận 3g sáng 19-1.
Trong suốt quãng thời gian đó luôn có năm cảnh sát thay phiên nhau thẩm vấn ông. Họ đấm vào bụng ông, bóp cổ ông ghì xuống bàn và chửi mắng. Ông bị ép phải chống đẩy hoặc phải quỳ bất động mỗi lần 30-40 phút.
Ông cũng bị giam trong một căn phòng vô cùng lạnh lẽo mà lại không được mặc quần áo ấm.
Ðến ngày 18-1, cảnh sát thuyết phục ông Menda rằng nếu ông nhận tội và khai đúng như những gì cảnh sát yêu cầu với văn phòng công tố thì sẽ được hưởng án treo. Ngược lại, nếu không chịu thú nhận tội lỗi ông sẽ phải “quay lại với địa ngục”.
Sở Cảnh sát Hitoyoshi bác bỏ cáo buộc của ông Menda. Tuy nhiên một cảnh sát xác nhận ông Menda bị thẩm vấn liên tục từ ngày 13 đến 16-1 đến mức lả đi.
Tòa án ra phán quyết khẳng định ông Menda đã bị ép cung, do đó lời khai ban đầu không đúng sự thật. Hơn nữa, lời khai của ông Menda có rất nhiều mâu thuẫn, hoàn toàn không phù hợp với hiện trường vụ án.
Ngày 15-7-1983, Tòa án Kumanmoto ra phán quyết khẳng định ông Menda vô tội. Ông Menda được trả tự do vào ngày 29-7-1983, gần 34 năm sau khi bị bắt và bị kết án tử hình. Khi đó ông đã 54 tuổi.
“Tôi đến gặp những viên cảnh sát đã bắt giữ và thẩm vấn tôi, hỏi họ cảm thấy thế nào về những gì họ đã làm. Họ trả lời tỉnh bơ rằng họ chỉ làm công việc của mình - ông Menda đau đớn - Không có gì tàn nhẫn hơn việc nhà chức trách cướp đi mạng sống một người vô tội”.
Ngoài trường hợp của ông Sakae Menda, tại Nhật còn có một số trường hợp tử tù được chứng minh vô tội.
Năm 1954, ông Akabori Masao, khi đó mới 24 tuổi, bị buộc tội cưỡng hiếp và sát hại cô bé 6 tuổi Hisako Sano ở thành phố Shimada, tỉnh Shizuoka. Bị mắc chứng tâm thần nhẹ, ông Masao bị cảnh sát dùng nhục hình để bức cung. Ông cũng bị kết án tử hình và mãi đến năm 1989, nghĩa là sau 34 năm, ông mới được chứng minh sự trong sạch và được trả tự do.
Tương tự là trường hợp của ông Shigeyoshi Taniguchi, bị bắt năm 1950 vì tội giết người, bị cảnh sát bức cung phải nhận tội và bị kết án tử hình. Ông cũng chỉ được thả 34 năm sau
NGUỒN: tuổi trẻ online

Không có nhận xét nào: