Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ PHÁT TRIỂN TOÀN CẦU

Sulak Sivaraksa


Một phần tư của dân chúng thế giới sống ở phía Bắc và tiêu thụ trên 60% lương thực, 85% số gỗ và 70% năng lượng của thế giới. Trên một tỷ cư dân nông nghiệp ở phía Nam sống trong nghèo khó tuyệt đối, không tiếp cận được những nhu cầu thiết yếu để sống còn. Sự sai biệt giữa các giai cấp và giới tính ở Bắc, Nam ngày càng tăng. Đàn bà và trẻ em chiếm tỷ lệ vượt trội trong số những người nghèo khắp nới trên thế giới.
Sự phát triển là một hình thức hiện đại của chủ nghĩa thực dân. Chúng ta chấp nhận những từ ngữ khác như là: CHẬM TIẾN/ CHẬM PHÁT TRIỂN, ĐANG PHÁT TRIỂN và ĐÃ PHÁT TRIỂN, mà không nhận thức được rằng chúng bị áp đặt từ những kẻ trước đây là thực dân. Từ ngữ mới hơn, TOÀN CẦU HÓA (GLOBALIZATION), còn tồi tệ hơn nữa. Sự phân chia bây giờ không còn là giữa châu Âu đối với châu Á mà là người giàu đối lại người nghèo, phía Bắc đối lại phía Nam. Phía Bắc tác động lên phía Nam qua sự đầu tư trục lợi - bán các hàng hóa chế tạo, thiết bị và huấn luyện quân sự. Phía Nam trả bằng các tài nguyên tự nhiên và lao động giá thấp, những nhà nông địa phương nhỏ bé sản xuất nông sản với những giá cả bất lợi, họ phải trả lãi suất cao khủng khiếp cho tín dụng thiết yếu. Những xứ sở phía Nam mất đi nền văn hóa bản địa và chủ quyền nhà nước của họ, chịu khổ vì suy thoái cảnh quan, nghèo khó, đói kém, bán xới, cùng với sự nhân rộng những khu ổ chuột thành thị. Trong lúc đó, khoảng cách giàu nghèo càng gia tăng.
Phía Bắc cũng chẳng phải tốt lành gì. Dân chúng ở đó mắc nghiện vào chủ nghĩa tiêu dùng, văn hóa đại chúng và ma túy. Họ chịu khổ vì ô nhiễm, suy thoái cảnh quan, sự mất mát những giá trị nền tảng. Dân chúng thành thị đối mặt với tội ác, vô gia cư và nghèo khó. Những kẻ đang làm việc thì chịu khổ vì lao động quá tải trong khi quyền lực của các tập đoàn vốn đã quá đáng lại tăng vọt. Các cá nhân mất đi cảm thức về ý nghĩa và sự bình an của họ.
Những quy định của các hiệp ước nhân quyền quốc tế phải không bị xói mòn do chủ nghĩa thời cơ của các chính quyền độc tài, dù tự nhận là dân chủ. Những kiểu mẫu phát triển toàn cầu tự cho rằng quý trọng đời sống nhưng, trong thực tế, làm đời sống cạn kiệt ý nghĩa. Chúng nói về việc làm cho người ta hạnh phúc, trong lúc chặn đứng tất cả các lối dẫn tới hòa bình đích thực. Những lợi lạc về vật chất của sự hiện đại hóa và Tây phương hóa bị phân phối một cách không công bằng. Chủ nghĩa tư bản công nghiệp đã được xây dựng trên sự bạo động của sự chinh phục, nô dịch và nợ nần. Sự bóc lột vẫn tiếp tục mang những hình thức mới, gồm cả mậu dịch thiên lệch, điều chỉnh về cấu trúc và sự mắc nợ của thế giới thứ ba. Những chính sách này làm gia tăng khoảng cách biệt giữa phía Bắc công nghiệp hóa và phía Nam bị bóc lột.
Sự bất bình đẳng và bóc lột dẫn tới tranh chấp. Những tranh chấp mà chúng ta xem như mang tính sắc tộc hoặc tôn giáo thường có cơ sở về giai cấp, bắt rễ trong những cấu trúc xã hội của hệ thống kinh tế toàn cầu. Khi những sự sai biệt xã hội gia tăng, sự đàn áp bạo động sẽ được sử dụng đễ kiểm soát dân chúng. Nền kinh tế toàn cầu đã trở nên ngày càng quân sự hóa. Những quốc gia hàng đầu thế giới sản xuất ra khối lượng khổng lồ vũ khí, họ bán cho cả những nước giàu lẫn nước nghèo. Nền công nghiệp vũ trang chế tạo một lượng tương đương với bốn tấn chất nổ mội năm cho mỗi một người sống trên trái đất. Năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc - gồm Hoa kì, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc - xuất khẩu hơn 85% số vũ khí của thế giới
Sự bùng nổ vũ khí này đã tạo ra một tình huống cực kỳ mong manh toàn cầu. Càng ngày càng có thêm nhiều vùng trên thế giới - từ Trung Đông tới Trung Mỹ, tới Trung Phi, Nam Á và Đông Âu - đang mất dần ngay cả cái vẻ trật tự bề ngoài. Khi chủ nghĩa khủng bố lan tràn khắp thế giới thì những tình trạng nhự mất tích, tra tấn, hãm hiếp và giết chóc trể nên quá đỗi bình thường. Sợ hãi cho công ăn việc làm, cho mạng sống, và cho gia đình, người ta không dám cất tiếng nói. Cũng có sự gia tăng về bạo động trong gia đình, ngoài đường phố và trong trường học ở các xứ công nghiệp hóa/, phần lớn dân nhập cư và các nhóm dân tộc thiểu số khác.
Kỹ thuật và tư bản là liên kết không thể tách rời. Các tiến bộ kỹ thuật quyết định khả năng cạnh tranh và tăng trưởng  của chủ nghĩa tư bản. Những tiến trình cơ giới hóa và thương mại hóa tiến hành đồng thời. Các nền kinh tế tự túc đang bị xói mòn khi người dân địa phương bị bó buộc phải sản xuất cho thị trường quốc tế thay vì cho chính nhu cầu của cộng đồng họ. Các khu rừng nhiệt đới  và các dải san hô đang bị hủy diệt dưới danh nghĩa của sự phát triển. Nông doanh, công nghệ chế tạo, vũ khí hạt nhân, rác thải độc hại làm ô nhiễm đất trồng, không khí và nguồn nước. Việc xây dựng những con đập trên các con sông phá hủy hệ thống sinh thái và nền văn hóa  truyền thống của cư dân địa phương. Với sự gia tăng tha hóa, sự mất tín nhiệm và sự sợ hãi trong dân chúng, tình trạng hiện đại hóa sẽ khiến người dân dễ bị thao túng và kiểm soát hơn. Tóm lại, chủ nghĩa tư bản kỹ thuật là phi lí. Nó phá hủy sự tích hợp tự nhiên của đời sống trên toàn hành tinh và đe dọa cả sự sống còn của loài người. Dân chúng khắp thế giới đang phản ứng.
Nhân dân địa phương và các bộ lạc đang đấu tranh chống lại việc xây đập trên các con sông.Các nông dân đang chống lại kỹ thuật sinh học trong nuôi trồng. Các bà mẹ đang đang phản đối nạn bắt cóc. Ở nước tôi, các nhà sư đang truyền giới cho cây cối trong rừng để bảo tồn rừng rậm. Những sự thách thức đối với loài người không thể chỉ giải quyết bằng việc tăng thêm các phương tiện kỹ thuật, các thị trường hoặc các bộ máy quản lý quan liêu, mà phải bằng chính lòng từ bi và sự minh triết.
Chú thích: Sulak Sivaraksa là một trong những nhà tư tưởng và hành động xã hội hàng đầu của châu Á. Công trình phạm vi rộng của ông bao gồm việc sáng lập mạng lưới quốc tế những Phật tử dấn thân và hàng chục tổ chức đáy tầng về giáo dục và chính trị khác, và là tác giả của hơn 100 cuốn sách bằng tiếng Thái và tiếng Anh gồm cả những hạt giống hòa bình, một thị kiến Phật giáo để canh tân xã hội. Ông hai lần được đề cử giải Nobel Hòa bình, năm 1995 ông nhận giải thưởng Chính mạng (Right Livelihood Award), được coi như một giao thế của giải Nobel Hòa bình.

Không có nhận xét nào: