Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

TĂNG ĐƯỜNG HUYẾT LÚC BÌNH MINH

BS Thy Anh

HỎI :
Tôi bị tiểu đường đã 2 năm , vài tháng nay đường huyết lúc sáng sớm thường tăng cao hơn 12 mmol/l , nhưng đường huyết đo buồi tối trước khi đi ngủ chỉ khoảng 8 mmol/l. Tại sao sau khi nhịn đói cả đêm, đường huyết lúc ngủ dậy lại cao hơn trước khi đi ngủ? Tôi nên làm gì?

ĐÁP :
Hiện tượng tăng đường huyết bất thường trên các bệnh nhân đái tháo đường từ khoảng 2 giờ sáng đến 8 giờ sáng được gọi là "hiện tượng lúc bình minh" (dawn phenomenon).
Người ta cho rằng hiện tượng này là kết quả của tình trạng tăng tiết nhiều loại hormone qua đêm, như hormone tăng trưởng (GH - Growth Hormone) Glucagon và Epinephrine – đã chống lại tác dụng làm giảm đường huyết của insulin.
Tuy nhiên, hiện tượng này còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nữa. Nếu bạn ăn them bưã lỡ nhiều carbohydrate trườc lúc đi ngủ, sử dụng liều insulin chưa đủ hoặc sử dụng thuốc uống hạ đường huyết buổi chiều không phù hợp cũng sẽ làm tăng đường huyết bất thường vào sáng sớm.
Bạn nên kiểm tra đường huyết thêm một lần trong đêm, vào khoảng 2 giờ sáng đến 3 giờ sáng để tìm hiểu xem tình trạng của bạn là do “hiện tượng lúc bình minh” hay vì một nguyên nhân nào khác.
Căn cứ theo kết quả đường huyết đo trong đêm, bác sĩ của bạn sẽ có các biện pháp điều chỉnh đường huyết vào buổi sáng cho bạn, ví dụ:
 # không ăn bữa lỡ trước khi đi ngủ
 # điều chỉnh lại liều thuốc uống hạ đường huyết hoặc insulin.
 # đổi sang một loại thuốc hạ đường khác.
 # dùng thêm các loại insulin tác dụng kéo dài hoặc bơm insulin đề bảo đảm nhu cầu insulin lúc sáng sớm.

Không có nhận xét nào: