Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

GHẾ ĐÁ VEN ĐƯỜNG





GHẾ ĐÁ VEN ĐƯỜNG

LẶNG THINH GHẾ ĐÁ VEN ĐƯỜNG
HOA ĐÀO HỒNG THẮM, CỎ BỜ XANH CÂY
GHÊ CHỜ, GHẾ ĐỢI AI ĐÂY?
AI NGƯỜI RẢNH RỖI, MÀ NGỒI LÀM THƠ ? 
BẬN RỘN NGAY CẢ TRONG MƠ
DÒNG ĐỜI VỘI VÃ TỪNG GIỜ TRÔI QUA.
MỚI ĐÂY ĐÃ LỚN ĐÃ GIÀ
GHẾ ƠI, CÓ HIỂU NỖI BUỒN PHÔI PHA . . .

Hai viên gạch xấu xí


Đến miền đất mới, các vị sư phải xây dựng, mua dụng cụ và bắt tay vào làm việc. Một chú tiểu được giao xây một bức tường gạch. Chú rất tập trung vào công việc, luôn kiểm tra xem viên gạch đã thẳng chưa, hàng gạch có ngay ngắn không. Công việc tiến triển khá chậm vì chú đặc biệt kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chú không lấy đó làm phiền lòng bởi chú biết mình sắp sửa xây một bức tường tuyệt đẹp đầu tiên trong đời.
Cuối cùng chú cũng hoàn thành công việc vào lúc hoàng hôn buông xuống. Khi đứng lui ra xa để ngắm nhìn công trình lao động của mình, chú bỗng cảm thấy có gì đó đập vào mắt, dù chú đã rất cẩn thận khi xây bức tường song vẫn có hai viên gạch bị đặt nghiêng. Và điều tồi tệ nhất là hai viên gạch đó nằm ngay chính giữa bức tường. Chúng như đôi mắt đang trừng trừng nhìn chú.
Kể từ đó mỗi khi du khách đến thăm ngôi đền chú tiểu đều dẫn họ đi khắp nơi trừ đến chỗ bức tường mà chú xây dựng.
Một hôm có hai nhà sư già đến tham quan ngôi đền. Chú tiểu đã cố lái họ sang hướng khác nhưng hai người vẫn nằng nặc đòi đến khu vực có bức tường mà chú xây dựng. Một trong hai vị sư khi đứng trước công trình ấy đã thốt lên:
- Ôi, bức tường gạch mới đẹp làm sao!

- Hai vị nói thật chứ? Hai vị không thấy hai viên gạch xấu xí ngay giữa bức tường kia ư? - Chú tiểu kêu lên trong ngạc nhiên.
- Có chứ, nhưng tôi cũng thấy 998 viên gạch còn lại đã ghép thành một bức tường tuyệt vời ra sao - Vị sư già từ tốn.

Đôi khi chúng ta quá nghiêm khắc với bản thân mình khi cứ luôn nghiền ngẫm những lỗi lầm mà ta đã từng mắc phải, cho rằng cả thế giới đều nhớ đến nó và quy trách nhiệm cho ta. Chúng ta đã hoàn toàn quên rằng đó chỉ đơn giản như  hai viên gạch xấu xí giữa 998 viên gạch hoàn hảo.
Và đôi khi chúng ta lại quá nhạy cảm với lỗi lầm của người khác. Khi bắt gặp ai đó mắc lỗi, ta nhớ kỹ từng chi tiết. Và hễ có ai nhắc đến tên người đó, ta lại liên hệ ngay đến lỗi lầm của họ mà quên bẵng những điều tốt đẹp họ đã làm.

Cần phải học cách rộng lượng với người khác và với chính mình. Một thế giới nhân ái trước hết là một thế giới nơi lỗi lầm được tha thứ.

ÁC MỘNG

Thy Anh

- "Mẹ ơi, mẹ ơi ... " Tí ngồi bật dậy trên giường, kêu hốt hoảng, Tâm vội ôm con vào lòng, xoa xoa cái lưng ướt đẫm mồ hôi của con, vỗ về: - "Nằm xuống mẹ quạt cho ngủ". Thằng bé ngoan ngoãn nằm xuống, nhắm mắt lại. Đã hai giờ sáng.
Nhưng, chỉ nằm im được khoảng mươi phút, thằng bé lại ngọ nguậy : "Mẹ ơi, bà ngoại biểu con bà bị đau ngực lắm". Tâm xoa đầu thằng bé: "Ngoại ở dưới quê làm sao nói gì với con được?". Chị tự nhủ, có lẽ ban ngày thằng bé chạy chơi nhiều quá nên tối nằm mơ. Tí ở với bà ngoại dưới quê ngay khi vừa dứt sữa, đến tuổi vào lớp một thì lên thành phố ở với mẹ, mới vài tháng nay. Thằng bé vẫn còn rất nhớ bà ngoại, không ngày nào không nhắc đến bà. Bà ngoại cũng nhớ cháu, cứ vài ngày lại điện lên hỏi thăm.
Ba giờ sáng, Tâm ngủ thiếp lúc nào không hay, bỗng giựt mình thấy thằng bé ngồi chồm hỗm trên giường tự hồi nào. Thấy mẹ đã thức, thằng bé vừa nói vừa thở dồn dập: - "Con sợ lắm mẹ ơi, bà ngoại kêu bị người ta chọc cái ống thật to vào họng làm bà đau lắm ...". Thật kỳ lạ, hay là ban ngày thằng bé lén xem phim kinh dị? Vô lý, vì thằng bé chỉ được phép xem hoạt hình và Tâm đã giấu cái remote TV trong tủ cẩn thận. Thằng bé lại nói lảm nhảm như lên đồng: - "Bà ngoại nói bà bị người ta đâp cái gì vào ngực đau lắm, mẹ". Tâm ôm thằng bé vào lòng thật chặt, hát ru nho nhỏ, nó ngoan ngoẵn nằm yên, rồi ngủ thiếp đi, thở nhè nhẹ, trán rịn đầy mồ hôi.
Bốn giờ sáng, chuông điện thoại réo vang, Tí vẫn còn ngủ say. Bên kia đầu dây, giọng thằng cháu làm y sĩ dưới quê nói nghe đứt quãng: - "Dì Hai ơi, bà ngoại mất rồi. Đầu hôm ngoại kêu đau ngực, con chở vô bệnh viện người ta chẩn đoán ngoại bị nhồi máu. Chừng ba giờ sáng, ngoại ngưng tim, bác sĩ đặt nội khí quản, sốc điện, nhồi tim cả tiếng đồng hồ, tim không đập lại, người ta cho về. Hôm nay dì Hai thu xếp công chuyện về được không?"



Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

MỘT THỜI TƯƠI ĐẸP

Lưu Hiên


Ai cũng có những người bạn thân hồi cấp ba. Nhiều người nói, bạn chân chính thường là quen từ hồi trung học.
Tôi cũng vậy, tôi có mấy người bạn thân nhau như hình với bóng, như Mark, Robert, Joanna và Ivona. Nhà Mark neo người, chỉ có bà mẹ và đứa em bị bệnh Down. Robert là con nhà giàu, cậu có nhà riêng ở Manhattan. Joanna và em gái là con một gia đình Ba lan mới di cư sang Mỹ. Hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng chúng tôi vẫn rất thân thiết, giữ nam và nữ không hề có ý niệm xấu xa gì.
Tôi xin kể về người bạn mà tôi thân nhất - Joanna.
Vì sao lại là Joanna, các bạn cứ đọc tiếp sẽ hiểu.
Khi Joanna nói muốn trở thành người mẫu, suýt nữa tôi phì cười, song thấy vẻ nghiêm túc của cô, tôi chỉ gật đầu.
Hồi mới quen, Joanna mặc một chiếc quần dài cổ lỗ, đi một đôi giầy thể thao cũ nát, đeo một cặp kính dầy cộm; khi nói chuyện, chiếc mũi bóng của cô nẩy lên nẩy xuống. Rồi dường như qua một đêm, cô đã sơ ý cao lên mét tám, cặp giò dài hẳn ra.
Một hôm, có một nhiếp ảnh gia nói với cô: "Em muốn làm người mẫu? Được, từ nay trở đi em không được vùi đầu vào sách vở nữa. Một người mẫu chuyên nghiệp phải bộc lộ cá tính mạnh! Hãy nhớ, đi đứng cần khoan thai, động tác phải dứt khoát, cười phải hết cỡ!"
Một năm sau, đi cùng Joanna, tôi thấy nhiều xe trên đường chạy chậm lại. Có lần, một người lạ hổn hển chạy tới tặng Joanna một bó hoa, nói: "Cô là người đẹp nhất trong đời tôi được gặp!"
Mới hôm qua còn là "con mọt sách", thế mà hôm nay đã biến thành "cô mọt sách xinh đẹp". Tan học, JOanna đến studio của nhà nhiếp ảnh. Trong lúc giải lao, cô lấy trong ba lô cuốn tiểu thuyết. Joanna rất thích tiểu thuyết Pháp, bởi "người Pháp sống vì lãng mạn, không vì khoái lạc".
Gia đình rời Ba Lan từ khi Joanna còn nhỏ, vừa đến Mỹ thì cha Joanna chuồn mất. Mẹ Joanna rất kiên cường, một mình nuôi cả nhà. Bà chuyên làm đêm bởi lương làm đêm cao hơn. Một sớm đi làm về, bà thấy phòng khách có người, tưởng là ăn trộm. Hóa ra đó là cha của Joanna, ông về nhà để trộm tiền.
Em Joanna là Ivona, cũng là bạn tôi. Hai chị em chỉ sinh cách nhau một năm nhưng tính cách hoàn toàn trái ngược. Ivona thực tế, Joanna lãng mạn và tự nhận mình mắc phải bệnh "romantique" không thể chữa được. Không biết Joanna từng yêu bao nhiêu người, cũng như từng ghét bao nhiêu người.
Có lần Joanna nói với tôi, khi nào trở thành siêu mẫu, cô nhất định sẽ mua một cái nhà mới cho cả gia đình. Song việc đó đâu có dễ, chưa có "thương hiệu" thì đâu có việc thường xuyên. Quay MTV cả ngày, cuối cùng lên sóng được có năm giấy. Một lần quay cảnh uống Coca-Cola, Joannna phải uống mười mấy lon, cuối cùng lại không được lên sóng. Công ty người mẫu nói với Joanna: "Ngực em cần cao thêm 2 inch, vòng mông cần tăng 4 inch ..."
"Tôi không làm nữa!" Joanna lắc đầu bỏ đi. Tính cách cô là như thế đó.
Sau tốt nghiệp cấp ba, Joanna nhận được học bổng từ khoa tiếng Đức trường đại học New York. Một lần đi trên đường, Joanna gặp lại cậu bạn trai từng thầm yêu từ hồi cấp hai, cậu kia không thể tin người đẹp trước mắt lại là con vịt con xấu xí trước kia. Thế là họ yêu nhau.
"Tớ thật hạnh phúc!" Joanna cười trong điện thoại, "Điều gì tớ muốn đều trở thành hiện thực!"
Vận may đến liên tiếp. Một công ty người mẫu khác phát hiện ra Joanna, đưa ảnh cô lên tạp chí Vogue. Các tay chụp ảnh người mẫu bắt đầu chú ý đến cô, mời cô tham dự party của họ. Cả ngày học, tối đến Joanna lại đi khiêu vũ thâu đêm với bạn trai.
"Qủa là vui! mỗi tội ..." Joanna bảo tôi: "Vai tớ không ổn, làm ảnh hưởng đến công việc.
Sau đó mấy ngày liền, tôi gọi điện cho Joanna mà không thấy ai nhấc máy, cuối cùng là Ivona nhắc điện thoại.
"Bà chị dở hơi có nhà không em?" Tôi hỏi.
"Xin lỗi, Joanna đang nằm viện." Ivona ngưng một lát rồi tiếp: "Chị ấy bị ung thư xương!"
Bác sĩ dùng cưa điện cưa mất một góc xương vai bên trái của Joanna; ở đầu chỗ cắt, họ trổ thành một cái khớp để ráp xương tay vào. Ngực Joanna cũng bị rạch một lỗ để đưa các loại hóa chất trị ung thư vào. Bác sĩ nói, hóa trị diệt được tế bào ung thư nhưng cũng làm bệnh nhân sốt cao, rụng tóc, phá hủy giác mạc. Joanna phải đeo một cặp kính dầy hơn.
Lần sau đến thăm Joanna, tóc cô đã rụng hết. Cô đang ngồi xem ti vi, vai trái lõm một lỗ, cánh tay ở một vị trí rất kỳ cục.
"Tớ có giống Sinead O'Connor (nữ ca sĩ đầu trọc) không?" Loanna cười và cố gắng đứng dậy, dùng tay kia ôm lấy tôi. Nhưng vì quá gắng sức nên cô kêu lên một tiếng làm tôi nhói đau trong tim.
"Tớ và John đính hôn rồi!" Joanna nói. "Tháng tư năm sau cậu phải đến đấy!"
Trước hôm phẫu thuật, John đưa cô đi hút thuốc, uống rượu, phóng xe và làm đủ mọi trò nguy hiểm.
"Nếu có số phải chết thì ít ra cũng được chết cùng nhau!"
Joanna lấy ra một tấm ảnh: "Tớ biết hóa trị sẽ làm rụng hết tóc vì thế, tối đó đã chụp tấm ảnh này!" Trong ảnh, đôi tay cô vấn cao mái tóc vàng óng lên ...
Đó là tấm ảnh cảm động nhất của Joanna mà tôi được xem.

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Ông Mỹ bán thức ăn chay ở Little Saigon

Ngọc Lan

David Dunlap, chính là chủ nhân của Bồ Ðề từ hơn một năm qua
WESTMINSTER (NV) – Bước chân vào tiệm bán thức ăn chay mang tên Bồ Ðề nằm bên hông Phước Lộc Thọ, gần bãi đậu xe, nhiều thực khách sẽ ngạc nhiên khi thấy có một người Mỹ trắng ngoài 50 tuổi, cao dong dỏng, làm “bồi bàn” ở đây.
Nghĩ ông là “bồi bàn” bởi vì người ta có thể gọi ông lại để nhờ cho thêm cái tô, cái muỗng. Người ta có thể gọi ông lại để “order” món ăn. Và người ta thường thấy nhất là hình ảnh ông khi thì đẩy xe đi dọn bàn, lau bàn, khi thì cầm cây lau sàn nhà. Có lúc người ta lại thấy ông đứng cạnh quầy tính tiền nói chuyện với khách. Rất nhiệt tình, rất niềm nở.
Thế nên hầu như ai cũng ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi biết ông không phải người “working for food” - đi làm để kiếm bữa ăn qua ngày, mà ông, David Dunlap, chính là chủ nhân của Bồ Ðề từ hơn một năm qua.
Anh Bình Vũ, một trong số những nhân viên của tiệm Bồ Ðề, từng “rất ngạc nhiên” khi nghe tin “có một ông Mỹ mua lại nhà hàng này.”
“Ai cũng ngạc nhiên hết chứ không phải chỉ có mình tôi. Ai cũng hỏi tại sao lại có một ông Mỹ vô đây làm chủ một nhà hàng Châu Á mà lại là nhà hàng chay nữa!” Anh Bình cười nhớ lại.
Chính vì vậy nên thoạt đầu anh Bình cảm thấy “ông này mạo hiểm quá vì ông có am hiểu gì về tập quán người Việt Nam của mình đâu mà lại nhào vô?”
Thế nhưng, sau hơn một năm đổi chủ, anh Bình và những nhân viên ở đây cho rằng “quyết định của David là đúng.”
Theo lời David thì ông “về hưu sớm” được vài năm, sau hơn 30 năm làm việc trong ngành cảnh sát.
“Thấy tôi sang lại nhà hàng chay này nhiều người tưởng tôi là người tu hành. Nhưng không phải. Tôi không phải đạo Phật, tôi cũng không ăn chay. Tôi là một người Mỹ, theo đạo Công Giáo. Nhưng tôi là người cởi mở và biết mở lòng ra với mọi người,” ông nói.
Bún bò Huế chay, món được khách hàng yêu thích nhất của nhà hàng
Ông kể đã đến Việt Nam 12 lần, đến Sài Gòn, Hà Nội, Ðà Nẵng, Hội An... nhiều lần. Ông không có những mối quan hệ ruột thịt với người Việt, nhưng ông có nhiều kỷ niệm với họ.
Ông kể rằng 13 năm trước, lần đầu ông đến khu Little Saigon, vào tiệm Lee's Sandwiches mua ly cà phê sữa đá. Người ta đưa cho ông tờ giấy ghi số “11”. Ông cầm giấy và đứng chờ. Nhưng chờ mãi không thấy tới phiên mình, bởi vì “họ đọc số toàn bằng tiếng Việt, 'mừ mót,' mừ mót.'” Ông không hiểu gì hết cho đến khi có người nhìn số giúp ông.
“Tôi biết có người ở đây cả 25 năm nhưng họ không biết tiếng Anh, bởi vì ở đây tất cả đều có thể dùng tiếng Việt, từ đi bác sĩ đến ra ngân hàng, đâu đâu cũng tiếng Việt, rất tiện lợi. Ðó là một nét văn hóa của người Việt nơi đây,” ông nhận xét.
Ông kể, có khi ông cầm tờ giấy liệt kê những món mà đầu bếp yêu cầu ông đi chợ để mua, nào rau, nào tăm, nào đậu... “Khi có món nào không tìm ra được, tôi hỏi nhân viên trong chợ thì ai cũng hỏi tôi rằng 'ông lấy vợ Việt Nam à?'”
Cũng theo ông David, có lẽ không đâu lại có nhiều người Việt từ khắp nơi đến hội ngộ như tại Little Saigon này.
“Trong cùng một nhóm đến nhà hàng ăn, đều là người Việt mà có người đến từ Washington, Minnesota, Texas, Florida, Ohio, từ Ðức, từ Úc, từ Canada... Tôi nhìn thấy được sự đa dạng trong văn hóa Việt Nam,” ông nhận xét.
Với nhà hàng Bồ Ðề, sau hơn một năm làm chủ, ông David cũng có nhiều chuyện vui ngộ nghĩnh.
Như đã nói, hầu như ai lần đầu đặt chân đến nhà hàng Bồ Ðề, nhìn thấy ông Mỹ trắng, cũng nghĩ ngay ông là người giúp việc tại đây. Và tâm lý của người Việt dường như cũng có điều gì đó hào phóng, rộng rãi đối với người Mỹ (không biết có phải xuất phát từ suy nghĩ đất nước này đã mở rộng vòng tay cưu mang dân tị nạn Việt Nam, nên khi nhìn thấy người Mỹ “làm việc cho người Việt” như thế thì cảm thấy có gì “tội nghiệp”?) Thế nên, ông David kể, một lần, có một nhà sư đến tiệm dùng bữa. Trông thấy ông, nhà sư ngoắc lại theo kiểu Việt Nam “hey, you.” Ông bước tới hỏi: “Ông có cần giúp gì không?” Nhà sư đưa cho ông David $5.
“Có lẽ nhà sư nghĩ tôi vào phụ việc để kiếm bữa ăn trưa nên thương tình cho tôi tiền. Ðến khi nghe những nhân viên trong tiệm nói 'ông là chủ mới ở đây đó!' thì nhà sư lấy lại $5, không cho nữa.” Chủ nhân nhà hàng Bồ Ðề cười sảng khoái khi kể lại câu chuyện này.
Không chỉ có nhà sư tốt bụng đó, mà còn nhiều khách hàng khác, có người trông rất sang trọng, lịch sự, cũng “động lòng trắc ẩn” cố nhét thêm vào tay cho “ông bồi bàn người Mỹ” ít tiền. “Tôi từ chối thì họ cứ ra hiệu cho tôi lấy đi, cuối cùng tôi cám ơn và cho tiền vào trong hộp tiền tip của nhân viên,” ông kể tiếp.
Những câu chuyện tương tự khiến ông David cảm thấy vui và thêm yêu thích những người khách nơi đây.
Dĩ nhiên, khách đến tiệm Bồ Ðề và còn muốn quay trở lại là vì sự nhiệt tình, vui vẻ của chủ nhân, của nhân viên, và hơn hết còn vì món ăn ở đây ngon. Nhiều người thích món bún bò Huế, bún riêu, chả giò ở đây, nhưng với tôi thì món bún Thái lại là món ngon tuyệt (có điều ai không thể ăn cay thì nên tránh). Bò bía chay ở đây cũng khó mà chê được.
Thấy trên trang web nổi tiếng Yelp có rất nhiều lời nhận xét tốt về Bồ Ðề, trong đó có khách hàng tên Kenzie K. viết rằng cô vô cùng cảm kích khi thấy ông Mỹ ra giới thiệu với cô từng món ăn khi cô nói cho ông biết đó là lần đầu cô đến nhà hàng chay này.
“Tôi chưa có ăn hết các món trong menu của nhà hàng, nhưng tôi có thử nhiều, thích nhất là bún bò, bún riêu. Lần đầu tiên tôi nhìn đĩa đậu que xào trong menu tôi hết hồn, vì tôi chưa từng nhìn thấy món ăn như vậy bao giờ. Nghe khách hay gọi món gì tôi cũng muốn ăn thử xem nó như thế nào để khi người khác hỏi tôi biết giải thích.” David trả lời câu hỏi “làm sao để có thể giới thiệu món ăn đến cho thực khách?”
Ðến Bồ Ðề, người ta thường thấy ông Mỹ lên tiếng chào khách mới đến, hay hỏi thăm xem thức ăn có ngon không khi họ đến trả tiền. Những lúc không quá bận rộn, ông lại đến chuyện trò với những khách hàng có thể nói tiếng Anh với ông, dù ông cũng đang học nói tiếng Việt để có thể gọi tên một vài món ăn như “bún riêu, bún bò Huế, phở áp chảo” hay đếm số “một, hai, ba, bốn, năm, sáu...” để “có cơ hội tiếp xúc gần hơn với khách hàng hơn,” như ông nói.
Một điều đặc biệt nữa, như anh Bình Vũ nhìn nhận là “chưa có nhà hàng Việt nào thực hiện”, đó là: những em học sinh, sinh viên nào mang đến bảng điểm toàn điểm A đến thì sẽ được ăn miễn phí!
Tôi đến hỏi thăm và nói cho khách biết nếu các em học sinh có toàn điểm A thì sẽ được ăn miễn phí. Có em hỏi thế thì có 1 điểm B thì sao, tôi bảo thì uống nước lạnh thôi, còn nếu có điểm C thì ra xe ngồi chơi
David nói một cách khôi hài, “Tôi đến hỏi thăm và nói cho khách biết nếu các em học sinh có toàn điểm A thì sẽ được ăn miễn phí. Có em hỏi thế thì có 1 điểm B thì sao, tôi bảo thì uống nước lạnh thôi, còn nếu có điểm C thì ra xe ngồi chơi!'”
Là khách hàng đến Bồ Ðề vào mỗi Thứ Tư, ông Chồng Sum Nguyễn, nhà ở tận Victorville, thuộc San Bernardino County, chia sẻ: “Khoảng 5 năm trước tôi có đến đây một lần nhưng mà sau đó thì không đến nữa vì không thích. Hơn nữa khi đó chúng tôi vẫn còn ăn mặn chứ chưa ăn chay trường như bây giờ. Khoảng 1 năm trước đây chúng tôi quay trở lại đây thì thấy có sự thay đổi, sạch sẽ hơn, ông chủ và nhân viên đều rất tử tế, tiệm sạch sẽ hơn.”
Tuy nhiên, có một lý do khiến cho vợ chồng ông Sum chọn nơi đây để trở lại hàng tuần là vì, “có lần vợ chồng tôi kêu cái lẩu nhưng mà cay quá nên bà xã tôi ăn không nổi nhưng đó là do lỗi mình không nói trước chứ không phải lỗi do tiệm. Chúng tôi định mang về, nhưng khi đứng lên trả tiền thì cô dọn bàn nhanh tay quá đổ mất.”
“Ông chủ này nghe thấy chạy đến xin lỗi, rồi mang cái bánh chưng chạy ra tặng nữa, trong khi mình đã de xe chạy rồi.” Ông Sum kể.
Bà Thúy Anh Nguyễn, vợ ông Sum, tiếp lời, “Ông chủ tử tế, thức ăn ở đây ngon mà cũng rẻ nữa nên Thứ Tư nào chúng tôi cũng đến, dù tụi tôi ở tận Victorville, lái xe đến đây cả tiếng rưỡi lận.”
Nếu muốn thử một lần làm quen với thức ăn chay, muốn quan sát, chuyện trò với “ông Mỹ trắng” làm việc ngay trung tâm Little Saigon thì nên “né” các ngày Mùng Một và Rằm, vì nếu không, bạn sẽ phải chờ đó!


KHÓ ĐI MẸ DẮT CON ĐI . . .

Ann Nguyen (facebook)

Ann Nguyen photo

Chín tháng tuổi nó lò dò biết đi, mẹ cười tươi tập đi cùng nó. Hai tuổi nó bắt đầu chạy và nhảy chân sáo, mẹ phầp phồng sợ nó té đau.  Bảy tuổi nó vào lớp một mẹ nắm tay nó đưa vào trường cho buổi học đầu tiên. Ôi, nhớ cái ngày hôm đó- bàn tay mẹ mới quí làm sao,  giá mà mẹ mãi ở bên con. Trường lớp, cô giáo, bạn bè....cái gì cũng lạ. Mẹ bảo “không sao, mẹ dắt con đi”.
Mười tuổi nó tập chạy xe đạp vừa thích vừa sợ ngã, mẹ chạy theo bên nó đỡ nâng. Mười bảy tuổi nó xa nhà lên đại học, mẹ nắm tay nó dẫn qua cái ngã tư đèn xanh đèn đỏ lắm người nhiều xe nơi thành phố đông đúc. Mẹ khẻ nhắc “xe đông lắm, qua đường cẩn thận nghe con.”
Nó quen đời sống nhanh gọn và tấp nập nơi đô thành, lần nào đi với mẹ cũng nhắc vội “sao mẹ chậm thế”. Một hôm mẹ bảo “thôi con à, con đi chợ một mình đi nhé, mua gì cũng được.” Nó ngạc nhiên vì mẹ bỏ thói quen đi ra ngoài nên ân cần hỏi “sao thế mẹ”. Chẳng sao con à, chân cẳng chẳng chịu nghe mình, đi lại khó khăn, chậm chạp”. Mắt nó chợt cay xè...khó đi con dắt mẹ đi...

San Jose, 2/21/2014

Phật ở đâu?


Thuở xưa, có anh chàng đọc kinh nghe nói về Phật, thích lắm, quyết định đi tìm gặp Ngài bằng được. Anh chàng khăn gói quả mướp ra đi. Sau khi trải qua không biết cơ man nào là núi sông, thành phố, hầm hố gian nguy hiểm trở... Chàng vẫn chưa gặp được Phật giống như hình dạng trong Kinh đã diễn tả.

"Thân Phật sắc vàng, cao một trượng sáu, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hào quang chói sáng. "

Một hôm tại một sườn non, chàng trai tình cờ gặp một cụ già râu tóc bạc phơ, cốt cách siêu phàm, mừng quá, chàng khẩn khoản:

- Thưa cụ, cụ có biết Phật đang ngụ ở đâu không... Xin chỉ dùm cho con với.

Ông lão mĩm cười:

- Ồ! Chỗ nào mà không có Phật... Trên quãng đường vừa qua, chả lẽ con không gặp được Ngài ư...

- Thưa cụ, trên đường đi con đã từng gặp vô số người, nhưng đều là hạng phàm phu tục tử cả. Con chưa từng thấy người nào có được vài tướng tốt như trong kinh đã mô tả về Phật cả.

Ông cụ cười ha hả:

- Cháu ngốc nghếch thật, cháu không biết rằng cái thân đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp đó người Ấn Độ đã đốt thành tro và chia nhau xây tháp thờ cúng cả rồi ư...

- Thưa, thế thì Phật chết rồi sao...

- Hiện giờ Đức Phật đang phân thân ở khắp mọi nơi. Ngài cũng mang thân tốt và xấu như chúng sinh vậy. Con có còn muốn gặp Ngài nữa không...

- Thưa, dù bất cứ với hình dáng nào, nếu đích thật là Ngài thì con vẫn vô cùng khát ngưỡng.

- Vậy thì, để ta mách nước cho con nhé... Con hãy quay về, trên đường về nếu con gặp người nào mang guốc trái ở chân phải, guốc phải ở chân trái thì người đó chính là một hóa thân của Phật. Hãy thừa sự và cúng dường vị Phật ấy như trong kinh đã dạy.

Chàng trai hối hả quay về. Suốt quãng đường dài, chàng không gặp Đức Phật nào mà hình dạng như cụ già diễn tả. Chán nản, chàng đi luôn về nhà. Trời đã khuya, bà mẹ còn chong đèn ngồi đợi con. Nghe tiếng gọi cửa bà mừng quá, quờ quạng tìm đôi guốc rồi chống gậy tất tả ra mở cửa.

Chàng trai thấy mẹ tiều tụy, nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo, mang lộn chiếc guốc trái qua chân phải, guốc phải sang chân trái. Chàng ôm chầm lấy mẹ nghẹn ngào: "Ôi Đức Phật yêu quí của con. "

Nó là bạn cháu


Tôi nghe câu chuyện này ở Việt Nam và người ta bảo đó là sự thật. Tôi không biết điều đó có thật hay không; nhưng tôi biết những điều kỳ lạ hơn thế đã xảy ra ở đất nước này.

John Mansur



Cho dù đã được định trước, những khối bê tông vẫn rơi xuống trại trẻ mồ côi trong một làng nhỏ. Một, hai đứa trẻ bị chết ngay lập tức. Rất nhiều em khác bị thương, trong đó có một bé gái khoảng tám tuổi.

Dân làng yêu cầu thị trấn lân cận liên lạc với lực lượng quân đội Hoa Kỳ để giúp đỡ về mặt y tế. Cuối cùng, một bác sĩ và một y tá người Mỹ mang dụng cụ đến. Họ nói rằng bé gái bị thương rất nặng, nếu không được xử lý kịp thời nó sẽ chết vì bị sốc và mất máu.

Phải truyền máu ngay. Người cho máu phải có cùng nhóm máu với bé gái. Một cuộc thử máu nhanh cho thấy không có ai trong hai người Mỹ có nhóm máu đó, nhưng phần lớn những đứa trẻ mồ côi bị thương lại có.

Người bác sĩ nói vài tiếng Việt lơ lớ, còn cô y tá thì nói ít tiếng Pháp lõm bõm. Họ kết hợp với nhau và dùng điệu bộ, cử chỉ cố giải thích cho bọn trẻ đang sợ hãi rằng nếu họ không kịp thời truyền máu cho bé gái thì chắc chắn nó sẽ chết. Vì vậy, họ hỏi có em nào tình nguyện cho máu không.

Đáp lại lời yêu cầu là sự yên lặng cùng với những đôi mắt mở to. Một vài giây trôi qua, một cánh tay chậm chạp, run rẩy giơ lên, hạ xuống, rồi lại giơ lên.

- “Ồ, cảm ơn. Cháu tên gì?” - cô y tá nói bằng tiếng Pháp.

- “Hân ạ” - cậu bé trả lời.

Họ nhanh chóng đặt Hân lên cáng, xoa cồn lên cánh tay và cho kim vào tĩnh mạch. Hân nằm im không nói lời nào.

Một lát sau , cậu bé nấc lên, song nó nhanh chóng lấy cánh tay còn lại để che mặt.

Người bác sĩ hỏi “Có đau không Hân?”. Hân lắc đầu nhưng chỉ vài giây sau lại có tiếng nấc khác. Một lần nữa, cậu bé cố chứng tỏ là mình không khóc. Bác sĩ hỏi kim có làm nó đau không, nhưng cậu bé lại lắc đầu.

Bây giờ thì tiếng nấc cách quãng nhường chỗ cho tiếng khóc thầm, đều đều. Mắt nhắm nghiền lại, cậu bé đặt nguyên cả nắm tay vào miệng để ngăn không cho những tiếng nấc thoát ra.

Các nhân viên y tế trở nên lo lắng. Rõ ràng là có điều gì không ổn rồi. Vừa lúc đó, một nữ y tá người Việt đến. Thấy rõ vẻ căng thẳng trên mặt cậu bé, chị nhanh chóng nói chuyện vớI nó, nghe nó hỏi và trả lời bằng một giọng hết sức nhẹ nhàng.

Sau một lúc, cậu bé ngừng khóc và nhìn chị y tá bằng ánh mắt tỏ vẻ hoài nghi. Chị y tá gật đầu. Vẻ mặt cậu ta nhanh chóng trở nên nhẹ nhõm.

Chị y tá khẽ giải thích với những người Mỹ: “Cậu bé cứ nghĩ là mình sắp chết. Nó hiểu nhầm. Nó nghĩ các vị muốn nó cho hết máu để cứu sống bé gái kia.”

- “Vậy tại sao nó lại tự nguyện cho máu?” - người y tá lục quân hỏi

Chị y tá người Việt phiên dịch câu hỏi lại cho cậu bé và nhận được câu trả lời rất đơn giản: “Vì nó là bạn cháu”.

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Ba cô thư ký


Ba cô thư ký trò chuyện với nhau về việc mình đã chơi khăm sếp như thế nào.
Cô thứ nhất:
- Một hôm tớ dùng băng dính dán hết các ngăn kéo của sếp lại. Thế là khi cần mở ngăn kéo, sếp bực tức quát um cả lên.
Cô thứ hai:
- Một lần lục trong ngăn kéo của sếp có mấy bọc bao cao su, tớ liền lấy kim chọc thủng tất cả, xong để lại nguyên trong ngăn kéo cho sếp.
Cô thứ ba nghe đến đây mặt tái mét, không nói được gì và ngất xỉu.

ĐÔI BÀN TAY


Một giáo sư lớp xã hội học đưa các sinh viên thực tập tới khu ổ chuột Baltimore để làm hồ sơ lý lịch cho 200 bé trai. Qua các câu hỏi để làm bản lượng giá về tương lai các em, các sinh viên đều nhận định về từng em: " Không có hy vọng tiến thân".

20 năm sau, một giáo sư xã hội học khác tình cờ đọc qua bản nghiên cứu trước đây tại trường. Ông cho các sinh viên của mình tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra cho những đứa bé trai này. Sau khi nghiên cứu, các sinh viên thấy: trừ 20 em đã đi nơi khác hay đã chết, có tới 176 em trong số 180 em còn lại đã thành đạt. trở nên những bác sĩ, luật sư và thương gia...
Giáo sư này rất ngạc nhiên và quyết định tìm hiểu vấn đề sâu xa hơn.
Mọi người đều trả lời trong xúc động:
- Chúng tôi đã đạt tới thành công nhờ tình thương của một người thầy. Người thầy đó bây giờ vẫn còn sống, giờ đã là một bà lão, tuy già nhưng bà vẫn còn minh mẫn.
Giáo sư hỏi bà đã dùng phương pháp nào để kéo những bé trai đó ra khỏi khu nhà ổ chuột và đạt được thành công như vậy.
Đôi mắt bà lão sáng lấp lánh với nụ cười trên môi, bà nói:
- Thật đơn giản, tôi đã yêu thương chúng bằng chính đôi bàn tay này - bà xoè đôi bàn tay chai sần đầy gân guốc của mình - tôi đã cầm tay từng cháu và dạy cháu những điều cháu sẽ phải biết. Tôi đã dạy các cháu sự tuyệt diệu của sách vở. Lấy sách vở làm khí giới, coi ngu dốt làm thù địch, lấy văn minh nhân loại làm cuộc khải hoàn. Hãy biết trân trọng từng giá trị trong cuộc sống. Mọi nghề nghiệp trong xã hội đều tốt đẹp, và không có gì đáng xấu hổ cho bằng trộm cắp , gian dối, bán mua lừa đảo. Tôi đã dạy chúng biết bán sức mạnh của cơ bắp và khối óc cho người mua đấu giá cao nhất, nhưng không bao giờ đặt giá cho tâm hồn dù có lúc rơi vào hoàn cảnh cùng cực nhất. Chính đôi bàn tay này tôi đã giúp chúng lớn lên về thể xác và giúp chúng tôn trọng từng mẩu bánh hay ngụm nước. Tôi đã cho chúng thấy nhân loại có thể nghèo về vật chất, nghèo về tiện nghi, nghèo về tri thức nhưng không bao giờ nghèo về tấm lòng và tình thương. Chính sức mạnh của tình yêu, của tình người, của tình nhân loại đã giúp chúng vươn lên và tình yêu thương đó có từ đôi tay này.
(The Love and Life) 

CHUNG ĐƯỜNG NƯỚC


NGUYỄN SAN 


Mảnh vườn hương hoa của anh Ba và thằng Út có chung đường nước. Mấy năm nay hai anh em giận nhau, đến nỗi giỗ cha mạnh ai nấy cúng. Cái mặt đập bên cạnh có cây ổi già bị rào kín lại, mạnh ai nấy đắp. 
Đêm ba mươi tháng tám nước lên nhanh quá. Anh Ba chở xuồng đất đắp vội lên mấy chỗ nước tràn. Bỗng, giật mình chạm phải bàn tay ai vừa bê một tảng đất sình nhão nhoét. 
Một thoáng ngỡ ngàng, anh nhận ra thằng Út. Bốn bàn tay chai sần bất động đè lên mặt đập. Trong đêm tối, bốn dòng nước mắt phan chiếu ánh sao sáng bong lanh. 



Chúng ta nên từ bỏ sự đối đầu

Ikeda Daisaku

Nếu quay nhìn lại lịch sử thì có thể phát hiện ra những kẻ phát động chiến tranh luôn là kẻ có quyền lực, và những thế lực phản động đối lập, mưu đồ mở rộng lợi ích tư hữu, là hiện thực lịch sử không thể chối cãi. Tuy nhiên, trong chiến tranh thì bá tánh lại là những con người vô tội phải chịu hy sinh.
Vì vậy mọi người đều khao khát thay đổi quan niệm mới về sự ngược đãi của chế độ "quyền lực" đối với"dân chúng", điều này có thể gọi là "thế giới quan về sự đoàn kết của nhân dân".
Chuyển đổi từ thế giới lấy "lợi ích quốc gia" làm đầu sang thế giới coi "lợi ích nhân dân" làm trọng, đó cũng là xu hướng mà thế hệ sau này nên đi theo. Tôi tin chắc rằng những con người Châu Á như chúng ta có thể trở thành đại diện điển hình mới của nhân loại hướng ra toàn thế giới.
Quan trọng nhất là liên kết tâm hồn của mọi người lại thành một khối vững chắc, bắc nối lên nhau thành một cây cầu tình bạn, cây cầu tin tưởng. Điều đặc biệt quan trọng là sự giao lưu trao đổi giữa những bạn trẻ năng động trong tương lai. Chỉ với sự đoàn kết sát cánh của thanh niên Châu Á, nhân dân thế giới mới có thể tạo dựng nên con đê chắn sóng ngăn chặn thảm họa chiến tranh.
Tại nơi mọi người cùng nhau chung sống với vô số những sự đối lập là điều không thể tránh khỏi, nhưng "đối lập" không hề đồng nghĩa với "chiến tranh", "có đối lập" chỉ là "có những vấn đề phải cùng nhau đối diện".
Đây chính là sự tập hợp trí tuệ sáng suốt của thế giới hiện tại, là bước ngoặt chuyển hóa cho chính sách hợp tác tốt. Chúng ta nên từ bỏ sự đối đầu, cùng hướng về một tương lai với mục đích chung là chăm sóc và nuôi dưỡng thế hệ trẻ.



Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Mùi yêu thương

Precious Jewel (facebook)




Mùi yêu thương là mùi gì vậy nhỉ ?
Có ngọt ngào thơm ngát như hoa?
Nó ở đâu trong thế giới bao la?
Tên ngồ ngộ nghe chi mà lạ rứa?
Mùi yêu thương chẳng thơm nhưng đậm đà
Trốn trong nhà tìm một xíu là ra
Mùi của bà vừa nấu bếp hôm qua,
Mùi của ông lúc chăm sóc vườn nhà,
Của con trẻ chơi đùa hôi khét nắng,
Và của ba của mẹ lúc về nhà,
Mồ hôi mặn vẫn còn vương vai áo

CHĂM SÓC BÀN CHÂN

Ann Nguyen (facebook)

Ann Nguyen photo
Có khi nào bạn tự hỏi ta đã chăm sóc bàn chân mình một cách công bằng và chu đáo? Bàn chân đưa ta đi từ điểm này đến điểm khác cho hầu hết mọi sinh hoạt hằng ngày. Bàn chân là nơi chịu nhiều lực nén của cơ thể, bàn chân là nơi xa nhất mà trái tim cần đem máu đến, dẫn máu về. Ôi, bàn chân mới đáng thương làm sao, bạn nhỉ?!

Theo cơ thể học thì lòng bàn chân có rất nhiều điểm tận cùng của các đầu dây thần kinh nơi mà nếu bạn xoa bóp nhè nhẹ lên đó sẽ mang lại cho bạn một cảm giác dễ chịu và thư thái. Bên cạnh cái ưu thì cũng có cái khuyết , lòng bàn chân, gót chân, và đầu ngón chân là nơi có nhiều lớp da sừng, dày và ít máu nuôi. Bởi thế, bạn dễ có các vết chai ở nơi đây nếu như như cọ xác xảy ra và lập đi lập lại. Tránh cọ sát như đi một kiểu giày nhiều ngày hay mang giày chật sẽ làm sự xuất hiện các vết chai chậm hơn và mỏng hơn.

Da bàn chân cần một môi trường ẩm vừa phải để nuôi sống tế bào sừng cho nên bạn nên cho tí kem dưỡng da (skin lotion), vaseline, hay dầu lên mu bàn chân và lòng bàn chân sau khi tắm nước ấm hay ở vùng khí hậu lạnh. Điều nên tránh la không thoa những thứ này vào những kẻ ngón chân. Bạn sẽ thắc mắc “tại sao”! Vì da giữa các ngón chân mềm, không có lớp sừng và môi trường quá ẩm sẽ làm những con nấm sinh sôi nảy nở và rồi bạn sẽ bị nhiễm nấm giữa những kẻ chân.

Những đều trên càng được chú ý đặc biệt hơn nếu bạn có bệnh tiểu đường hay thần kinh ngoại biên vì chân bạn rất kém về việc cảm nhận. Bạn không có khả năng nhận biết đau, nóng, lạnh một cách nhanh nhẹn và chính xác. Thế nên, vật nhọn chạm vào không làm bạn đau, nước nóng hay vật nóng như máy heater, than cháy đỏ, hay vết cắt cũng không làm bạn thấy nóng cho đến khi chân bạn bị tổn thương và trở thành một vết loét. Nguy cơ nhiễm trùng và cưa chân sẽ rất cao. Ôi…bàn chân không thể giúp bạn đi từ điểm này sang điểm khác. Buồn thay! Thế nên đừng bao giờ đi chân trần hay ngâm chân trong nước nóng bạn nhé.

Một dịp nào đó thả đôi bàn chân của mình lên bãi cát mịn màng rồi bước đi những bước thong dong…và quay lại nhìn những vết chân trần trên cát. Bạn sẽ khám phá ra điều thú vị. Lực nén của bàn chân không đều nhau, vết hằn sâu trên cát có những  hình dáng khác nhau tuỳ theo phần cát bạn bước xuống mềm hay nén, tuỳ theo bước chân sãi dài hay ngắn và tuỳ theo bạn đi nhanh hay chậm. Xương bàn chân, cơ bàn chân, và các dây chằng quanh xương và cơ này rất mảnh mai và uyển chuyển. Bàn chân và lực tác dụng vào bàn chân sẽ theo đổi theo cách ta bước đi và loại giày dép ta mang. Giày cao gót và dáng thon nhọn làm phụ nữ có dáng hơn nhưng bạn nên lưu ý cho xương chân của mình về lâu về dài nhé. Các đấng mày râu thì ít khi để ý đến giày dép cho lắm vì thường chủ quan “chân cứng”. Lời khuyên của các chuyên gia bàn chân là bạn nên thay đổi giày dép mỗi ngày, không dùng  giày quá cao, quá chật, hay quá rộng.

Điều cuối cùng là nên đưa hai bàn chân lên cao bằng mực tim sau một ngày “ chúng nó” phải lặn lội cùng bạn từ đông sang tây. Điều này giúp hệ thống tĩnh mạch mang máu về tim giúp cho hệ tuần hoàn được cân đối.  bạn có thể kê cao bằng gối, bằng con thú nhồi bông, hay trên sofa trong lúc xem Tivi.

Chúc bạn có những giây phút thú vị  khám phá đôi bàn chân của mình! Hay hơn nữa hay cùng chăm sóc và khám phá bàn chân của nhau nếu bạn có bạn đời, bố mẹ già, hay con nhỏ. Hãy chia sẻ những gì bạn khám phá về đôi bàn chân nhé!

Ann Nguyen, RN, WCC
San Jose, 02/21/2014 

Lời khuyên người tự kiêu

ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT


Khuyết điểm tệ hại nhất của sự kiêu hãnh là nó ngăn chận không cho ta cải thiện. Nếu ta cho rằng : « Tôi đã biết hết và chắc chắn tôi là một người rất giỏi », ta sẽ không còn học hỏi được gì thêm nữa và đấy cũng là một trong những điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho ta.
Kiêu ngạo cũng là nguồn gốc gây ra vô số khó khăn trong xã hội. Nó làm phát sinh trong lòng ta sự ganh tị, tính kiêu ngạo, khinh miệt, vô tình, và đôi khi đưa đến đủ mọi thứ lạm dụng và hung bạo đối với kẻ khác.
Phải phân biệt giữa kiêu hãnh và sự tự tin nơi mình. Sự tự tin rất cần thiết. Chính sự tự tin trong nhiều hoàn cảnh sẽ giúp ta đủ can đảm và ta có thể tự nhủ một cách chính đáng rằng : « Tôi có đủ khả năng để thành công ». Tuy nhiên, sự tự tin cũng có thể trở thành cực đoan vì đánh giá sai lầm về các khả năng của mình hoặc ước đoán không đúng những hoàn cảnh bên ngoài.
Nếu nghĩ rằng ta có đủ khả năng hoàn thành một việc nào đó mà kẻ khác không thể thực hiện được, và nếu sự thẩm định của ta có đầy đủ lý do, thì đó không phải là sự tự kiêu. Cũng giống như trường hợp một người thấp bé không với tay lấy được những vật đặt quá cao và có một người cao hơn bảo rằng : « Khỏi cần với tay làm gì cho mệt, cứ để đấy để tôi lấy giùm cho ». Người này chỉ muốn đơn giản nói lên là mình đủ điều kiện hơn để làm một việc nhất định nào đó, nhưng không hề có ý cho rằng mình giỏi hơn và muốn đè bẹp kẻ khác.
Thái độ tự kiêu không thể bào chữa được. Nó được căn cứ trên sự đánh giá quá cao về mình hoặc trên những kết quả hời hợt có tính cách nhất thời. 
Hãy luôn nhớ đến những hậu quả tiêu cực của tánh tự kiêu. Hãy ý thức những khiếm khuyết và giới hạn của mình và phải hiểu rằng ngay từ căn bản thì ta cũng chẳng khác gì những người mà ta tự xem là trội hơn họ. 

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Cũng người một hội một thuyền đâu xa

Linh H. Vo  (facebook)                                                                                               

                                            
       "Âu đành quả kiếp nhân duyên
        Cũng người một hội, một thuyền đâu xa"
                           (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Khi đất nước chuyển sang một hình thái kinh tế - xã hội mới, mối quan hệ đàn anh – đàn em trong ngành Y đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Khi đạo đức cả xã hội xuống cấp và các truyền thống tốt đẹp bị phá vỡ, mối quan hệ này cũng phát sinh nhiều chuyện không hay.
Khi nhìn vào những chuyện này, chắc chắn chúng ta sẽ thở dài và tự nhủ mình sẽ không bao giờ làm như vậy... Nhưng trong cái thời buổi loạn lạc bây giờ, người quân tử thường phải ẩn mình và im lặng để sống sót mà cố gắng gìn giữ những phẩm chất tốt đẹp còn lại của mình. Khi đó, các bạn cũng có thể chắc chắn rằng cũng sẽ có nhiều người sẽ cũng có một suy nghĩ như các bạn, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, họ cũng phải im lặng như các bạn.
Tuy nhiên bản thân chúng ta vẫn mong muốn nuôi dưỡng và có nhu cầu về một mối quan hệ truyền thống tốt đẹp đàn anh – đàn em. Những đàn anh, đàn em đó vẫn bàng bạc, tồn tại rải rác trong đại gia đình y khoa, để chờ đợi những ánh mặt, nụ cười, tiếng nói, sự chia sẻ ... từ những người đồng điệu. Khi chúng ta đến với nhau bằng sự chia sẻ, bằng tình cảm đồng nghiệp chúng ta sẽ không khỏi bất ngờ khi thấy có rất nhiều đàn anh và đàn em trong đại gia đình y khoa đang chờ đợi chúng ta, như đã có và chờ đợi từ thuở nào... Dù chưa gặp nhau, nhưng như quen nhau từ đã rất lâu...
 Có thể không nói ra, nhưng có những người đàn em yêu mến vẫn theo dõi từng bước đi của chúng ta để học tập và rèn luyện, trong công việc cũng như trong xây dựng cuộc sống gia đình, cũng như chúng ta đang âm thầm noi gương những người đàn anh đáng kính của chúng ta.
 Cuộc sống phức tạp cũng như các tín hiệu thông tin được đơn giản hóa và mã hóa nhị nguyên: âm - dương, có – không, đúng – sai, trắng – đen... Tuy nhiên cuộc sống là cuộc sống, vẫn phức tạp muôn màu muôn mặt... Nếu như nhìn cuộc sống với hai thái cực trắng – đen, có thể nói là chúng ta hầu như đang sống trong một cuộc sống với gam màu xám, một gam màu pha trộn giữa trắng và đen với những mức độ khác nhau. Chúng ta hầu như không có cơ hội để sống chỉ với một thái cực trắng hoặc đen. Trắng – đen chỉ giúp cho chúng ta phân tích cuộc sống, nhưng khi sống, chúng ta phải sống với cuộc sống đúng nghĩa với đầy đủ sự phức tạp của nó. Do đó, khi chúng ta nhìn thấy một yếu điểm hay cá tính của một người đàn anh hay đàn em, chắc chắn chúng ta cũng có thể tìm thấy những ưu điểm của họ. Chúng ta không thích tính cách nào đó của một người thì chúng ta cũng không nên phủ nhận sạch trơn tất cả những tính cách tốt đẹp khác của họ. 
Điều quan trọng là chúng ta hãy cùng nhau nuôi dưỡng những lý tưởng cao đẹp của truyền thống đàn anh – đàn em trong ngành Y. Hãy mở rộng cánh tay chia sẻ của mình trước sự rụt rè, e ngại thậm chí đố kỵ của những đàn em. Hãy học tập từ những người đàn anh những ưu điểm hơn là những cá tính rất đa dạng và nhiều khi khó dung nạp của họ. Hãy nhìn cuộc sống, con người và bản thân chúng ta dưới quan niệm gam màu xám, để thông cảm, chia sẻ, xây dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ gia đình và xã hội của mình. Đó cũng là cách góp phần giúp chúng ta gìn giữ và phát triển mối quan hệ đàn anh – đàn em trong đại gia đình y khoa.




Lời khuyên người khổ sở vì ganh tị

ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
NHỮNG LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT


Ganh tị khiến ta khổ sở và ngăn bước ta trên con đường tu tập. Nếu nó lại được biểu lộ ra bằng những hành vi hung hãn thì còn làm hại thêm cho người khác nữa. Ganh tị là một thứ cảm tính cực kỳ tiêu cực.
Nói một cách tổng quát, ganh tị thật hết sức vô lý. Ganh tị cũng không ngăn cản được những người bị ganh tị tìm được nhiều tiền của hay đạt được nhiều phẩm tính hơn, mà chỉ mang lại khổ đau cho chính mình. Nếu lòng ganh tị trở nên quá mạnh thì nó có thể thúc đẩy ta phá hại sự thành công hay gia sản của kẻ khác và như thế thì còn gì đê hèn hơn không ? Hậu quả của những hành vi ấy chắc chắn sẽ phản hồi lại để tác hại bản thân mình. 
Sự ganh tị còn phi lý trên một phương diện khác nữa, bởi vì sự an vui chung của một xã hội tùy thuộc vào từng thành phần đã tạo ra xã hội ấy. Nếu có một số người làm ăn phát đạt thì tất cả xã hội cũng được lợi và đương nhiên ở một mức độ nào đó ta cũng được hưởng lây. Khi thấy một người phát đạt và giàu có, thay vì cảm thấy tức bực thì ta nên nghĩ rằng đó cũng là một điều tốt cho bản thân mình nữa.
Nếu đó là một người mà ta yêu mến hoặc có liên hệ với ta thì nhất định ta nên lấy đó làm điều vui. Nếu người ấy không liên quan gì nhiều đến ta thì sự thành công của họ cũng vẫn là một điều lợi ích chung cho xã hội và ta lại càng phải nên xem đó là điều vui mừng. Nếu đơn độc một mình thì ta sẽ không có cách gì để giúp cho xứ sở phồn vinh. Vì thế cần phải có sự chung góp của thật nhiều người bằng những cố gắng và tài năng của họ. Người giàu có mà ta mang ra làm thí dụ trên đây là một trong số những người có đủ khả năng, vì vậy nhất định đấy phải là một niềm vui.
Ví như có một kẻ nào đó giàu có và thông minh hơn ta nhưng người này chỉ biết hưởng lấy một mình thì dù có bực tức và ganh tị đến mức nào đi nữa cũng chẳng đem lại được gì cho ta. Tại sao kẻ khác lại không được quyền có những gì mà chính mình cũng đang mong muốn ? 
Tuy nhiên có một thứ ganh tị có thể bào chữa được, mặc dù cũng là một thứ xúc cảm không kém phần tiêu cực. Đấy là sự ghen tương giữa một cặp vợ chồng mà một trong hai người bị phản bội. Cứ lấy trường hợp hai người yêu nhau thật sự và quyết định sống chung với nhau, hoà thuận với nhau, hoàn toàn tin tưởng vào nhau, sinh con đẻ cái, nhưng rồi một hôm, một trong hai người có tình nhân. Người kia bất bình và đó cũng là một điều dễ hiểu.
Người đã ghen tương thì chính họ cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Có một người kể chuyện với tôi là anh ta cưới vợ, đến khi hai vợ chồng dần dần trở nên thân mật và hiểu nhau hơn thì chính lúc ấy anh ta lại cảm thấy ngày càng lo âu, mang nặng trong lòng một thứ cảm tính như là ghét bỏ.  Anh ta lo lắng vì nghĩ rằng hai người biết nhau quá nhiều. Thế rồi giữa hai vợ chồng sinh ra một sự căng thẳng và người đàn bà bỏ nhà ra đi để sống với một người đàn ông khác.
Theo tôi, phản ứng của anh chàng ấy thật hết sức lạ lùng. Khi hai người đã sống chung với nhau thì cả hai sẽ cảm thấy ngày càng gần gũi nhau hơn và đấy là một điều hiển nhiên.  Càng sống gần nhau thì càng cảm thấy không còn gì cần thiết để giữ bí mật riêng tư nữa. Chẳng phải là một điều thú vị hay sao khi ta hoàn toàn tin tưởng vào người khác? Do đó quả  thật là vô lý vì đã lấy nhau rồi mà lại không tin nhau ? Nếu ngay từ lúc mới cưới mà lại ngờ vực nhau để người kia bỏ đi tìm ai khác thì ít ra cũng còn hiểu được. 

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

CHUYỆN VUI HỌC TRÒ


LỚP HỌC LỊCH SỬ
Các lớp học lịch sử thường làm cho bọn trẻ buồn ngủ và do đó, cũng không mấy khó hiểu khi chúng tỏ ra vui mừng vì được biết hôm nay có thể về sớm. Bà giáo tuyên bố: “Bất cứ em nào trả lời được câu hỏi của tôi, có thể ra khỏi lớp trước khi chuông reo”
Thật là tuyệt vời, Dick nghĩ như vậy vì nó biết rằng mình rất thông minh và có thể trả lời bà ấy vanh vách như một cuốn bách khoa toàn thư.
“Nào, bắt đầu. Ai đã nói: đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc?”
“J.F. Kennedy thưa cô !” – một cô gái đầu bàn đã kịp giơ tay và dĩ nhiên cô nàng có thể ung dung ra về.
“Tốt lắm Allen, câu tiếp theo đây: Ai đã nói Tôi có một giấc mơ…?”
“Ô”, thêm một cô nàng khác đã cướp lời trước, “Martin Luther King”.
Cáu lắm, Dick buột miệng “Khi nào thì cái lũ ấy mới câm cái mồm thối tha của chúng nhỉ?”
Bà giáo sửng sốt và thét lớn “Ai đã nói câu ấy?”
“Bill Clinton thưa cô” – Dick mừng rỡ – “Bây giờ em có thể về được rồi phải không ạ?”


HỌC TRÒ QUEN
Thầy: Hình như tôi gặp em rồi phải không, tôi thấy em quen quen, ?
Johnny: dạ, năm rồi em thi rớt, năm nay em thi lại ạ…
Thầy: à…thế năm rồi tôi hỏi em câu gì nhỉ?
Johnny: Dạ, thầy hỏi em “hình như tôi gặp em rồi phải không?



Cháu có thể làm bất cứ việc gì mà cái đầu cháu muốn!


Nhiều năm về trước căn bệnh tim của cha tôi đã đến giai đoạn cuối. Cha tôi không được phép làm việc thường xuyên, thỉnh thoảng cũng khỏe nhưng ông có thể trở bệnh bất cứ lúc nào và phải lập tức nhập viện.
Cha tôi muốn có một công việc gì đó để khuây khỏa nên ông tình nguyện vào làm cho một bệnh viện trẻ em của địa phương. Cha tôi rất yêu trẻ con và đây đúng là một công việc tuyệt vời cho ông. Ông chọn việc chăm sóc những đứa trẻ bị bệnh vào giai đoạn cuối, trò chuyện và chơi đùa với chúng.
Trong số những trẻ mà cha tôi chăm sóc có một bé gái mắc một chứng bệnh rất hiếm, bị liệt từ cổ trở xuống. Tôi biết cô bé ắt hẳn phải rất buồn và thất vọng vì em không thể làm gì được cả!
Cha tôi quyết định giúp đỡ cô bé. Ông vào phòng cô bé, đem theo màu, cọ và giấy. Ông để giấy lên giá đỡ, ngậm cọ trong miệng và bắt đầu vẽ. Ông không hề dùng đến tay mình và chỉ cử động đầu. Cha tôi đến thăm cô bé bất cứ khi nào có thể và vẽ cho cô bé xem. Lúc nào ông cũng nói: “Cháu thấy chưa, cháu có thể làm bất cứ việc gì mà cái đầu cháu muốn!”. Dần dần cô bé bắt đầu dùng miệng để vẽ. Hai bác cháu càng ngày càng quấn quít với nhau.
Ít lâu sau, cô bé xuất viện vì các bác sĩ không thể giúp cô bé được gì nữa. Cha tôi cũng rời bệnh viện vì bệnh của ông tái phát. Một thời gian sau cha tôi hồi phục và trở lại công việc ở bệnh viện. Một ngày nọ ông chợt thấy cửa phòng bật mở, và bước vào chính là cô bé ấy. Giờ đây cô bé đã đi được! Em chạy ào tới ôm chặt lấy cha tôi. Cô bé đưa cho cha tôi một bức tranh em tự vẽ bằng tay, ở dưới đề dòng chữ “Cảm ơn bác vì đã giúp cháu đi được!”.
Lần nào cha tôi cũng khóc khi kể lại câu chuyện đó. Cha nói tình yêu thương đôi khi còn mạnh hơn cả y học. Cha tôi mất vài tháng sau khi được cô bé tặng tranh.


Nhớ ông …

Nguyễn Phương Dung


Ông nội tôi mất khi tôi còn khá nhỏ nên đối với tôi những kỷ niệm về ông chỉ là những điều gì đó mơ hồ, mỏng mảnh trong bao miền ký ức tuổi thơ. Những gì thuộc về ông như cặp kính lão, bộ quần áo pijama ông hay mặc ở nhà, chiếc xe gắn máy, chiếc đồng hồ quả lắc mà ông vẫn thường lên giây tuần một lần, tất cả đều được bà tôi cất giữ cẩn thận, riêng chiếc đồng hồ quả lắc dù nay đã hỏng, vẫn luôn được tôi nhất nhất bảo vệ không cho bỏ hoặc bán nó đi vì đối với tôi, nó là kỷ vật thương nhớ nhất của tôi về ông.
Ngày đó, khi tôi đi mẫu giáo, ông cùng bà thường đến đón tôi mỗi buổi chiều vì ba mẹ tôi đi làm xa. Ông cùng bà chăm tôi, làm ngựa cho tôi phi cà lọc và dỗ dành tôi mỗi khi tôi khóc. Đến lúc tôi học lớp một, ông lại dạy chữ cho tôi. Chữ ông phải nói là rất đẹp, viết chính tả thật chuẩn, nhưng, chắc là theo người ta hay nói, “bụt chùa nhà không thiêng” hay sao ấy, mà chữ tôi quả thật chẳng được một phần của ông. Cái tôi khoái là ông vừa dạy vừa chơi, bàn học không có, ông dùng chiếc ghế có mặt ghế to để kê cho tôi viết. Chiều chuộng và thương tôi là vậy, mà lúc tôi không ngoan, ông cũng vẫn giận và mắng tôi để giúp tôi sửa sai. Thấm thoát, thời gian trôi, trôi thật nhanh.
Sau khoảng thời gian hạnh phúc và vui vẻ quây quần bên ông đó, đến một ngày, tôi bỗng thấy ông yếu, yếu đi rất nhiều. Vì còn quá nhỏ, nên ở nhà không ai nói gì cho tôi biết về tình trạng sức khỏe của ông. Tôi ngây thơ tin tưởng những gì mọi người nói, và cũng vì tôi vẫn thấy ông chào lại rồi khen tôi giỏi mỗi lần đi học về, thành ra tôi chẳng mảy may nghi ngờ gì. Cho đến một ngày, lúc đó tôi học lớp hai, đang ngồi chơi xếp gạch trên chiếc máy tính cũ của ba thì tôi bỗng nghe ai đó báo qua điện thoại rằng ông tôi đã mất. Cảm giác đó tôi còn nhớ mãi cho đến tận ngày lớn khôn không thể nào quên được - cái cảm giác mất mát, hụt hẫng... Dù không hiểu tại sao vì ai cũng nói giấu đi rằng: “ông nội đi bán muối” hay “ông nội đi vắng rồi!” vẫn không thể làm tôi tin được nữa. Tôi biết tôi đã mất ông.
Ngày ông đi, tôi quỳ dưới bàn thờ chờ sư thầy làm lễ mà nước mắt tôi tuôn như mưa. Tôi khóc, bà nội cũng khóc, cái cảm giác dường như không có lời nào để có thể nói mô tả hết được. Tôi vẫn còn nhớ lúc đưa tang ông, gần hạ huyệt thì bà tôi khóc ngất đòi đi theo ông, tôi là con nhóc mặc đồ đồng phục học sinh cũng gào lên, cũng nức nở đòi giữ ông ở lại. Sau đó một khoảng thời gian dài, tôi vẫn không thể thôi niềm thương nhớ.
Có những đêm dài tôi nằm mơ thấy ông về và hỏi chuyện tôi. Có những lúc tôi thấy như ông đang nhìn mình rất hiền và phù hộ cho tôi cùng bà nội và cả nhà. Và rồi tôi khóc, khóc thật sự như không phải trong giấc mơ.
Giờ đây, ngồi viết những dòng này nhớ về ông, nước mắt tôi không ngừng tuôn rơi lã chã trên má. Nhớ mãi bàn tay của ông, nụ cười, ánh mắt hiền từ của ông. Ước, ước trong ký ức mơ hồ rằng giá gì căn bệnh ung thư  phổi đừng đến, đừng hành hạ cơ thể ông tôi và cũng đừng cướp đi người ông của tôi nhanh như thế, nhanh đến mức tôi còn quá nhỏ chưa kịp cảm nhận hết được tình thương của ông thì ông đã đi rồi... 
Ông ơi!